Nghệ An ưu đãi tín dụng giúp ngư dân bám biển

Với chính sách tín dụng ưu đãi, ngư dân Nghệ An đã được vay vốn đóng tàu, tiếp thêm động lực, sức mạnh và ý chí quyết tâm vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Đóng mới tàu thuyền tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Những ngày này, bà con ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu ai nấy đều phấn khởi, vui mừng vì được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đóng tàu mới. Tại xưởng sửa chữa và đóng tàu thuyền của anh Bùi Văn Thọ, xóm Hồng Yên, những người thợ đang nhanh tay hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để con tàu vỏ gỗ hạ thủy vào đầu tháng 7. Đây cũng là chiếc tàu thứ 5 của xưởng sẽ được hạ thủy tính từ đầu năm tới nay. Cũng trong tháng 7 này, xưởng sửa chữa và đóng tàu thuyền của anh Thọ tiếp tục đóng mới 3 con tàu cho ngư dân trong vùng.


Mỗi con tàu có trị giá gần 1 tỷ đồng, đối với ngư dân là cả một tài sản lớn. Vì vậy, khi nhận đơn hàng, hầu hết ngư dân chưa đủ tiền để trả cho chủ xưởng đóng tàu. Trước đây, để đóng mới tàu thuyền, các hộ gia đình đều phải chật vật vay mượn thêm của anh em, bạn bè, và đặc biệt là “ghi nợ” chủ xưởng đóng tàu. Nhằm giảm bớt khó khăn của ngư dân, các xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền đã hỗ trợ cho ngư dân bằng cách cho ngư dân “ghi nợ”, sau khi đi biển về mới lấy tiền.


Vì vậy, chính sách ưu đãi tín dụng giúp ngư dân đóng mới tàu thuyền có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngư dân. Anh Trần Văn Bính, chủ tàu NA2661 xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích không giấu nổi sự vui mừng: "Trước đây, tôi cũng định đầu tư tàu công suất lớn để vươn khơi, song việc vay vốn ngân hàng khó tiếp cận quá. Với chính sách tín dụng hỗ trợ đóng tàu mới, hiện đại hơn, tôi dự tính sẽ vay mượn thêm anh em, bạn bè để đầu tư con tàu mới công suất lớn đánh bắt xa bờ”.


Trước đó, nhiều ngư dân do không có kinh phí, nguồn vốn để đóng mới tàu thuyền nên phải mua tàu cũ ở các địa phương khác. Với những chiếc tàu đã cũ này, ngư dân phải bỏ ra không ít tiền để sửa chữa máy móc, mua sắm lại trang thiết bị. Bên cạnh đó, do hao tốn nguyên nhiên liệu nhiều hơn, nên mỗi chuyến đi biển về, sau khi trừ chi phí, ngư dân cũng không lãi được là bao. Trong khi đó, đi trên những con tàu công suất lớn, mức độ an toàn về con người cao hơn, ngư dân cũng yên tâm hơn trong việc đánh bắt xa bờ. Nếu ngư dân có được những con tàu lớn, sản lượng thu về gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với tàu cũ.


Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ lãi suất trong thời gian 12 tháng đối với các hộ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản vùng khơi có công suất. Từ năm 2010 đến nay, ngư dân tỉnh Nghệ An đầu tư 20,5 tỷ đồng đóng mới tàu. Cụ thể, đóng mới một chiếc tàu bình thường, ngư dân được hỗ trợ 36 triệu đồng/năm; tàu có công suất lớn hơn là 48 triệu/năm và tàu có công suất lớn hẳn được hỗ trợ 54 triệu đồng/năm. Ngoài chính sách của tỉnh, nhiều địa phương ven biển như huyện Diễn Châu cũng có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn là 20 triệu đồng/chiếc (với điều kiện họ đã bán đi chiếc tàu công suất nhỏ); huyện Nghi Lộc cũng có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn với mức 100 triệu đồng/chiếc.


Thực hiện chính sách tín dụng, ưu đãi nguồn vốn của Nhà nước cho ngư dân vay đóng tàu, đến nay ngư dân tỉnh Nghệ An đã đăng ký đóng mới tàu công suất lớn với tổng mức vay vốn trên 1.500 tỷ đồng.


Ông Thạch Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch xã Diễn Bích cho biết, hiện nay, nhu cầu muốn đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển của ngư dân là rất lớn, trong khi đó nguồn vốn được phân bổ có hạn. Mong muốn của ngư dân là Nhà nước, chính quyền địa phương nên có chính sách phân bổ nguồn vốn hợp lý, có cách làm dân chủ, công bằng, tránh tình trạng có ngư dân được hỗ trợ, có ngư dân không được hỗ trợ. Ngoài mong muốn có được nguồn vốn, các ngư dân còn mong muốn được Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật đóng tàu hiện đại; đồng thời, phải có sự giám sát của các cấp, ngành trong quá trình đóng tàu, cả về nguồn vốn, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh gọn.

Tỉnh Nghệ An đang có phương án hỗ trợ đầu tư một cách đồng bộ như nâng cấp các bến bãi neo đậu tàu thuyền, hỗ trợ 100% xây dựng cảng loại 1 và hỗ trợ một phần để xây dựng cảng loại 2, loại 3.


Bích Huệ

Tìm biện pháp bảo hộ 6 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ
Tìm biện pháp bảo hộ 6 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với những ngư dân này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN