Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài 1: Thiếu đầu tư cho đánh bắt hải sản

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển là một trong những mục tiêu của ngành thủy sản và các địa phương ven biển để góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với định hướng "đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển"...


Bài 1: Thiếu đầu tư cho đánh bắt hải sản


Với dải bờ biển dài hơn 3.000 km, tiềm năng khai thác, đánh bắt thủy hải sản của nước ta rất lớn. Tuy nhiên, người dân vùng ven biển cần được đầu tư nhiều hơn để có điều kiện thuận lợi khai thác nguồn lợi thủy, hải sản, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế đất nước.


Bất cập cơ sở hạ tầng nghề cá


Đánh bắt hải sản là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta. Theo thống kê của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đến cuối năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt hơn 2,6 triệu tấn, trong đó, khai thác hải sản đạt hơn 2,4 triệu tấn. Với lợi thế sẵn có từ biển và tiếp cận được những ngư trường khai thác thủy sản lớn, từ lâu, nhiều địa phương đã phát huy thế mạnh với sản lượng đánh bắt hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho lĩnh vực này.

 

Ngư dân Đà Nẵng lắp đặt tời kéo mới trên tàu để chuẩn bị cho chuyến đi đánh bắt thủy sản ở khơi xa.Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN


Theo Sở NN&PTNT Ninh Thuận, tuy là một trong những ngư trường trọng điểm, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú nhưng do đầu tư cho khai thác còn yếu nên nghề khai thác hải sản của tỉnh chậm phát triển hơn so với các tỉnh khác. Khai thác cá nổi là chủ yếu nên giá trị kinh tế không cao, đội tàu công suất lớn cũng ít do phát triển sau các tỉnh khác. Hiện nay, ngành thủy sản tỉnh cũng đang xây dựng đề án, kiến nghị những chính sách để từng bước vận động bà con chuyển nghề sang khai thác biển khơi.


Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết: Do quá trình phát triển nghề cá của Ninh Thuận thay đổi chậm nên việc phát triển dịch vụ hậu cần cũng không vượt qua yêu cầu của sản xuất. Các cơ sở đóng sửa tàu cá trong tỉnh chủ yếu sửa chữa bằng kinh nghiệm dân gian, chỉ gia công sửa chữa nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Hiện tại có 3 cảng và bến cá nhưng được đầu tư quá lâu (từ năm 1995), luồng lạch qua nhiều năm không có kinh phí nạo vét, cầu cảng ở đây hầu hết đều ngắn nên lúc cao điểm không đủ chỗ cho tàu cập, không đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khai thác của ngư dân.


Ngoài ra, vấn đề khó khăn trong luồng lạch cũng đang là bài toán không chỉ của Ninh Thuận mà các tỉnh khác cũng đều gặp phải, bởi các cảng cá đều nằm ở cửa sông, phụ thuộc lớn vào dòng chảy và luồng sông nhưng đầu tư nạo vét hàng năm chưa đúng mức. Về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cũng cho biết: Do luồng lạch bồi lắng, mức độ đầu tư nạo vét luồng lạch hàng năm rất ít, trong khi một cửa sông nạo vét phải trên 10 tỷ đồng và nguồn ngân sách của tỉnh không bảo đảm nên 5-7 năm mới nạo vét một lần. Hiện, cả tỉnh có 3 cảng cá Phan Thiết, Tuy Phong và La Gi nhưng đều chưa có khả năng tiếp nhận những tàu lớn vào. Cảng Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) là cảng cá được đánh giá thuận tiện cho ngư dân bốc dỡ vận chuyển hàng hóa nhưng cửa biển cũng bị bồi lắng.


Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Giám đốc cảng cá Lộc An cho biết: nằm giữa xã Lộc An và xã Phước Hải là khu vực đánh bắt hải sản lớn của tỉnh nhưng luồng lạch vào cảng Lộc An không bảo đảm nên buộc ngư dân phải đi vòng qua cảng Phước Tỉnh (huyện Long Điền), do vậy tốn thêm chi phí vận chuyển từ 30-40 triệu đồng/chuyến. Giải pháp lâu dài để thông luồng là làm bờ kè chắn sóng nhưng do chưa có kinh phí nên hiện giờ chỉ nạo vét “chữa cháy” cho tàu bè ra vào.


Chú trọng đầu tư phương tiện khai thác


Cùng với khó khăn về cơ sở hạ tầng và phương tiện đầu tư cho khai thác thì công nghiệp chế biến thủy sản kém phát triển cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề khai thác biển.


Theo ông Huỳnh Quang Huy, trong hơn 100 doanh nghiệp chế biến thủy sản toàn tỉnh chỉ có 7 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, còn lại chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh khác như Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.


Do tiềm năng đầu tư, trình độ quản lý của các doanh nghiệp trong tỉnh còn kém, mức độ kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến lớn tại Bình Thuận chưa đạt yêu cầu, cơ sở hạ tầng nghề cá còn kém, ít cảng cá, quy mô đầu tư cũng như các dịch vụ kèm theo cảng kém... khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra.


Toàn bộ các tàu đóng mới thời gian qua đều do ngư dân tự đầu tư chứ chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trong khi muốn ngư dân ra khai thác ngư trường xa, công tác dự báo ngư trường phải có trước... Các chương trình hỗ trợ ngư dân cải tạo tàu thuyền, nâng cao công suất để vươn xa vẫn còn hạn chế, các ngân hàng đều không dám cho ngư dân vay vì ngại rủi ro. Chi cục đang hỗ trợ ngư dân xây dựng những mô hình liên kết như tổ đội sản xuất trên biển trực tiếp đến nhà máy sản xuất chế biến nhưng rất khó vì nhận thức ngư dân còn thấp, chủ yếu tiêu thụ qua hệ thống nội vựa trên bến cảng mà chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài của hệ thống tiêu thụ.


Việt Âu - Hồng Nhung

 

Bài 2: Khai thác tiềm năng nghề nuôi trồng thủy sản

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài cuối: Tái cơ cấu theo hướng giá trị kinh tế cao
Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài cuối: Tái cơ cấu theo hướng giá trị kinh tế cao

Những năm qua, nghề cá các tỉnh ven biển đang đối diện với nhiều thách thức như nguồn lợi vùng biển gần bờ suy giảm; ngư trường khai thác bị thu hẹp do hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, trong khi số lượng tàu cá gia tăng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN