07:17 17/07/2014

Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng

Trước việc Trung Quốc tuyên bố và tiến hành rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Hoàng Sa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền... quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Trước việc Trung Quốc tuyên bố và tiến hành rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Hoàng Sa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

 

Từ tối 15/7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về hướng đảo Hải Nam và đến sáng ngày 16/7, giàn khoan 981 cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Toàn bộ các tàu thuyền Trung Quốc đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam trước đó, đã được rút về.


Kiên quyết lập trường


Liên quan đến việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương - 981, ngày 16/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

 

Sơ đồ thể hiện đường di chuyển của giàn khoan Hải Dương - 981đến rạng sáng ngày 16/7.Ảnh: TTXVN phát


Ngược thời gian 2 tháng vừa qua, từ ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt, đã có hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của ngư dân Việt Nam.


Những hành vi này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Ngay trong ngày 16/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vẫn khẳng định việc dời giàn khoan Hải Dương - 981 không phải là “rút lui”, và vẫn cho rằng Hoàng Sa là thuộc về Trung Quốc.


Quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc rút giàn khoan 981 được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương - 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Điều này, nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông.


Duy trì sức mạnh tổng hợp


Trong phiên họp ngày 16/7/2014, về chuyên đề công tác xây dựng pháp luật, sau khi nghe báo cáo về việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.


Sức mạnh tổng hợp trên khắp các mặt trận, từ ngoại giao, chính trị, tới kinh tế, văn hóa..., đặc biệt là sức mạnh của tình đoàn kết dân tộc trong thời gian qua của Việt Nam đã góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Sức mạnh này càng ngày càng cần được phát huy, khi cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền của Việt Nam đã được xác định là lâu dài, liên tục. Một nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc; những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân tăng cường ra khơi bám biển.. là những động thái đầu tiên góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


Thủ tướng kêu gọi nhân dân cả nước cần tiếp tục đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực về mọi mặt của đất nước.

 

P.V (tổng hợp)