02:23 08/02/2012

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số:Phải có sự tham gia của người dân địa phương

Bộ VH,TT&DL đang triển khai “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” với 6 dự án thành phần

Bộ VH,TT&DL đang triển khai “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” với 6 dự án thành phần gồm: Tổng kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục; đào tạo nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống; chương trình lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc; phân bổ nguồn lực thực hiện.

Bà Nông Thị Siu kể về nghề dệt có nguy cơ thất truyền.


Đề án được đánh giá là có quy mô nhất từ trước tới nay trong vấn đề bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện 1.512 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai các dự án tại các địa phương, thì cũng còn nhiều điều trăn trở.

Bảo tồn theo cách nào?

Tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương về “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Các địa phương đều kêu thiếu nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, bảo tồn văn hóa cơ sở. Hệ thống nhà văn hóa, bảo tàng đều kêu thiếu người.

Không có người am hiểu chuyên môn nên không có phong trào mạnh và hoạt động văn hóa từ cơ sở đã yếu, dẫn đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc đều giậm chân tại chỗ. Cũng có một thực tế là nhiều sinh viên các trường nghệ thuật khi tốt nghiệp không về quê mà muốn ở lại thành phố làm việc, kể cả hệ cử tuyển. Đó là chưa kể nhiều em nói được rất ít tiếng dân tộc.

Trước khi có đề án này, đã có nhiều dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc mang tính nhỏ lẻ do các tỉnh triển khai, tuy nhiên chưa phát huy hiệu quả. Điển hình như dự án bảo tồn nghề dệt tại xã Phúc Sen (huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng). Cách đây vài năm, tỉnh Cao Bằng thông qua dự án của tỉnh đã hỗ trợ làng nghề bản Khào (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên) ba chiếc máy dệt Nam Định, đồng thời mời thợ về dạy đồng bào dân tộc Nùng cách sử dụng. Ông Lương Văn Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen cho biết: Dự án thực hiện không hiệu quả vì lấy sợi tại Nam Định nên không phù hợp. Do không hiệu quả nên máy dệt giờ đã phải xếp vào kho của xã.

Bà Nông Thị Siu, 62 tuổi, ở thôn Lũng Vài, xã Phúc Sen cho biết: Để dệt tấm vải truyền thống rất mất thời gian. Trước đây năm nào bà Siu cũng dệt, có lúc để dành được hơn 30 tấm vải. Giờ bà Siu muốn làm, nhưng chồng con không cho làm nữa vì có làm ra cũng không ai mua. Khung cửi của bà 3-4 năm nay không dùng đến. Hiện chỉ người già vẫn mặc quần áo truyền thống, thanh niên không mặc vải truyền thống nữa và chỉ thích mua vải trắng. Con gái thời nay không thích cầm kim, không biết dệt, số người biết rất ít.

Bảo tồn từ chính người dân địa phương

Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm đang triển khai tại địa phương: “Thành công nhất trong bảo tồn di sản thông qua phát triển du lịch cộng đồng với chương trình biến “Di sản thành tài sản”. Khách du lịch đến bản Dền có thể thưởng thức văn hóa ẩm thực, xem văn nghệ, trải nghiệm cùng đồng bào... như chương trình "Một ngày làm nông dân", "Một ngày làm cô dâu người Mông", "Một ngày làm thợ rèn của người Dao"… Người dân thấy rằng khi mặc quần áo dân tộc dễ bán hàng hơn; tự giới thiệu về các đặc sản và truyền thống văn hóa dân tộc mình sẽ hấp dẫn hơn và từ đó họ càng có ý thức bảo tồn nét đặc sắc văn hóa của mình.

“Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi có những lớp dạy chữ cổ. Lúc đầu dự án chúng tôi mở khoảng 10 lớp. Song người dân thấy hấp dẫn và tự xin mở thêm. Họ tự lo cơ bản. Chúng tôi chỉ cung cấp giáo trình, mời một số nghệ nhân đến dạy. Chúng tôi mở được 20 lớp. Và giờ rất nhiều nơi muốn mở, giờ phụ nữ cũng học được. Và những lời hát giao duyên có thể lưu truyền. Cả những bài ca dao là lời răn con cái về cách ứng xử. Bảo tồn văn hóa các dân tộc chỉ hiệu quả nếu được người dân hưởng ứng và ủng hộ”, ông Trần Hữu Sơn cho biết.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, việc cần làm là nâng cao nhận thức cho lớp trẻ, cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu giá trị văn hóa dân tộc mình, để chính họ tự bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Phải để lớp trẻ hiểu, yêu văn hóa dân tộc mình, mới không bị thời buổi "điện thoại di động, nhạc nhảy xập xình" lấn át. Sự hỗ trợ, phải đứng ở góc độ người dân bản địa mới thực sự có hiệu quả. Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết: “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” sẽ huy động tổng thể hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể và người dân tham gia để mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài và ảnh: Xuân Cường