07:08 26/07/2012

Bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long: Cần một tầm nhìn mới

Nhằm tìm kiếm giải pháp bứt phá cho Vịnh Hạ Long, ngày 24/7, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ VH, TT&DL và tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Tầm nhìn mới”.

Nhằm tìm kiếm giải pháp bứt phá cho Vịnh Hạ Long, ngày 24/7, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ VH, TT&DL và tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Tầm nhìn mới”.

Sản phẩm còn đơn điệu


Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý về văn hóa, du lịch có dịp ngồi lại đánh giá chặng đường phát triển Vịnh Hạ Long thời gian qua. Sau khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 12/1994, Hạ Long đã trở thành một địa chỉ có tầm quan trọng hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2011, Hạ Long đã thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó có trên 2 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bước đầu tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch.

Quang cảnh buổi hội thảo.


Theo đánh giá của Sở VH,TT&DL, tốc độ tăng trưởng lượng khách trong hơn 15 năm qua bình quân là 15%/năm nhưng tốc độ chi tiêu thấp, số ngày lưu trú không cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Trong quá trình phát triển, hệ thống hạ tầng đã bộc lộ những bất cập, đơn cử như đoạn đường từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) tới Quảng Ninh, qua đường 18, hiện đã vượt quá công suất thiết kế. Nhiều đoàn khách phải mất 5 tiếng để di chuyển. Bên cạnh đó, hạ tầng cầu cảng, bến bãi tại khu vực Vịnh Hạ Long đầu tư cách đây đã 10 năm nên thiết kế cũng bộc lộ nhiều sự thiếu an toàn”, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ninh cho biết.


Bên cạnh đó là các vấn đề về môi trường, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chưa theo kịp tiến trình phát triển, cũng là những rào cản không nhỏ với Hạ Long trong hành trình vươn lên thành điểm nhấn về du lịch trong khu vực.

Một góc vịnh Hạ Long.


Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp khai thác trên tuyến Hạ Long đều thừa nhận, so với cách đây 10 năm, sản phẩm Vịnh Hạ Long vẫn vậy. Hiện Hạ Long mới chỉ thu hút khách đến tham quan mà chưa có sản phẩm nào khác để kéo dài thời gian lưu trú của khách, chính vì vậy, khách chỉ ở khoảng 2 ngày 1 đêm thì hết chỗ chơi. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Doanh thu của du lịch Hạ Long hiện thua cả Đà Nẵng và Khánh Hòa, do hai địa phương này đã chuyển chiến lược sang khai thác các sản phẩm cao cấp, chiều sâu để nâng khả năng chi tiêu của khách. Đó cũng là điều đáng để tỉnh Quảng Ninh suy nghĩ trong việc chuyển hướng sang phát triển những sản phẩm có chất lượng để khẳng định đúng đẳng cấp là Di sản thiên nhiên thế giới”.


Trên thực tế, Vịnh Hạ Long là một không gian lớn để phát triển, nếu nhìn từ việc liên kết với các vùng vịnh Bái Tử Long và đảo Cát Bà. Đây là vấn đề gợi mở cho du lịch Quảng Ninh. Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển của tỉnh có quy hoạch xây dựng sân bay ở Vân Đồn, là điều kiện thúc đẩy du lịch toàn vùng phát triển. “Tuy nhiên, để có hướng phát triển mới, vấn đề quy hoạch và các giải pháp để chuyển hướng phát triển từ “quy mô chiều rộng sang quy mô chiều sâu, hướng tới sản phẩm du lịch chất lượng cao” đang cần những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đồng bộ và hấp dẫn, đó là việc mà tỉnh Quảng Ninh đang làm, thông qua việc thuê các chuyên gia tư vấn quốc tế lập Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội của tỉnh, trong đó có cả phát triển du lịch”, ông Hà Quang Long, giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ninh cho biết thêm.


Thống nhất kế hoạch phát triển


Bà Kathirine Muller-Marin, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam: Chúng tôi có nhận được sự phản ánh của du khách lo ngại về vấn đề môi trường Vịnh Hạ Long. Khuyến nghị lập một quỹ môi trường hoặc kêu gọi du khách tham gia các chiến dịch làm sạch Vịnh; trong đó kiểm soát chặt chẽ rác thải từ tàu thuyền là việc cần làm ngay. Cần ứng dụng các giải pháp xử lý chất thải. Cũng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách về vai trò bảo tồn và gìn giữ di sản, đồng thời cần khai thác du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho rằng: Muốn những giá trị và hình ảnh Vịnh Hạ Long thực sự hấp dẫn và có sức lan tỏa, thì hơn bao giờ hết cần coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị đích thực của Hạ Long. Qua đó, để thúc đẩy phát triển du lịch, xứng tầm với một di sản thiên nhiên- kỳ quan thiên nhiên thế giới. Hiện nay, khi du khách đến Hạ Long ngày càng tăng thì kỳ vọng của khách càng cao hơn.


Sản phẩm du lịch Hạ Long vẫn chậm đổi mới, dịch vụ nghèo nàn, kém sức cạnh tranh và gây thất vọng cho du khách. Do đó nếu bảo tồn tốt đến đâu nhưng du lịch kém về chất lượng, thiếu chuyên nghiệm và thiếu trách nhiệm, thì sẽ không phát huy giá trị di sản. Đồng thời việc bảo tồn không đến nơi đến chốn thì sẽ trở thành nguy cơ làm suy thoái, mai một, lãng phí di sản tài nguyên di sản.


Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Hội thảo quan trọng này tổ chức trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đang trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Việt Nam cũng xác định Vịnh Hạ Long là tài nguyên du lịch quan trọng của Việt Nam.


Với tầm nhìn mới, Vịnh Hạ Long có vị trí, vai trò, tầm thế đặc biệt của một di sản- Kỳ quan thiên nhiên thế giới, là cơ sở quan và động lực quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển xanh của Quảng Ninh và Việt Nam. Do đó, mục tiêu là đưa Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển hàng đầu Việt Nam, góp phần vào phát triển các ngành công nghiệp giải trí, tiến tới xây dựng ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả di sản Vịnh Hạ Long luôn gắn bó mật thiết với bảo vệ môi trường sinh thái, và mong muốn các bạn bè quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để có thể phát triển bền vững, phát triển xanh.



Bài và ảnh: Xuân Minh