Sóc Trăng là “mái nhà chung” của cộng đồng 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa sinh sống cộng cư với nhau. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Trong quá trình sinh sống, đã có sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc kéo dài trên 300 năm. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của người dân tỉnh Sóc Trăng.
Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt
Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội như: khán đài, bờ kè đường đua ghe Ngo (thành phố Sóc Trăng); khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội Cúng Phước Biển (thị xã Vĩnh Châu)… và nhiều công trình văn hóa khác.
Sóc Trăng cũng nỗ lực triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa Rom Vong của người Khmer”; Nghệ thuật trình diễn dân gian “Nhạc Ngũ Âm của người Khmer”; Nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh Pía” (xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành); bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”; bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (Khmer, Hoa)…
Việc bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian cũng được Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo và tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Hiện, trên địa bàn có 14 lễ hội thuộc loại hình lễ hội truyền thống (lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội dân gian). Các lễ hội khi diễn ra đều thực hiện đúng thủ tục thông báo đến cơ quan quản lý trước khi tổ chức. Các lễ hội ở Sóc Trăng được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương và đi vào nề nếp, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi cuốn hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Một số lễ hội tiêu biểu của Sóc Trăng gồm: Lễ hội Thăk Kôn (huyện Châu Thành, diễn ra vào ngày 14 - 15/3 âm lịch); Lễ hội Nghinh Ông (huyện Trần Đề, diễn ra vào ngày 20 - 21/3 âm lịch); Lễ hội Cúng Phước Biển (ngày 14 - 15/2 âm lịch); Lễ hội Sông nước miệt vườn (cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách vào dịp Tết Đoan ngọ từ ngày mùng 3 - 5/5 âm lịch), Lễ hội Vu lan, Đại lễ Phật Đản, Lễ hội cúng Đình Nguyễn Trung Trực; Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và tục đắp núi cát, Lễ hội Oóc Om Bóc, đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng của đồng bào Khmer được tổ chức vào dịp 14 - 15/10 âm lịch hàng năm quy tụ số lượng người rất lớn trong và ngoài tỉnh đến xem.
Phát biểu tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra vào tháng 11/2022, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân. Vì vậy, ông mong muốn đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông, bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ, mới gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc.
Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, toàn thể nhân dân và cả xã hội bằng các việc làm thiết thực, khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc đa dạng, phong phú, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cùng với việc phát huy tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân, như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền và thực sự coi phát triển văn hóa ngang bằng với phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác.
Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc, trong đó dân tộc Khmer 30,18%; người Hoa là 5,2%, dân tộc khác là 0,03%. Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tại Sóc Trăng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước. Do vậy, Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc theo như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp chủ yếu chấn hưng văn hóa, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.
Ở góc độ chuyên môn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết thời gian tới, Sóc Trăng còn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Cùng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức khảo sát, điền dã sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật bổ sung kho cơ sở Bảo tàng và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; tổ chức mở lớp dạy múa Rom vong cho cán bộ các sở, ngành, đặc biệt là tiếp tục triển khai mạnh mẽ dạy, học chữ Khmer trong toàn tỉnh. Đồng thời, Sở phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Sóc Trăng thu hình các chương trình ca múa nhạc phát sóng phục vụ bà con vùng đồng bào Khmer Nam Bộ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chủ lực là Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và đoàn nghệ nhân) xây dựng các chương trình ca múa nhạc mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Khmer, tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh cũng như công diễn cho người dân tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn…
Ông Trần Minh Lý nhấn mạnh, Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, về an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương…, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án nhằm bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội…