09:10 29/09/2014

Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Hà Nội

Nhà ở dân gian truyền thống Hà Nội chủ yếu có ở các địa điểm thuộc tỉnh Hà Tây cũ - địa danh nổi tiếng với nhiều di sản, di tích quốc gia như làng cổ, làng nghề, đình, chùa…

Hà Nội là thành phố cổ kính có bề dày lịch sử hơn 1.000 năm với nhiều đặc trưng kiến trúc khác nhau. Nhà ở dân gian truyền thống ở Hà Nội là một trong những di sản quý báu mang đậm bản sắc truyền thống kiến trúc, văn hóa của dân tộc Việt Nam; xứng đáng tượng trưng cho cốt cách, linh hồn của Thủ đô cần được bảo tồn và phát triển.

Một ngôi nhà cổ 250 tuổi ở Đường Lâm mới được Nhà nước đầu tư trùng tu đầu năm 2013. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Do vậy, công tác quản lý, bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống luôn buộc các nhà quản lý đô thị và mỗi người dân Thủ đô phải có ý thức, trách nhiệm hơn nhằm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại.

Hà Nội trước đây, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, vì vậy nông dân chiếm đa phần. Người nông dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Hà Nội nói riêng đã tạo dựng cho mình những ngôi nhà ở rất phù hợp với nếp sống văn hóa, lao động và khí hậu, mang đậm bản sắc Việt Nam. Song, ngày nay, nông thôn đã được đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu nhà ở ngày càng tăng. Những ngôi nhà dân gian truyền thống đã bị mất dần, thay thế bằng những ngôi nhà bê tông cốt thép, đầy đủ tiện nghi.

Theo kiến trúc sư Tô Thị Toàn, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nhà ở dân gian truyền thống Hà Nội chủ yếu có ở các địa điểm thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Đây là một địa danh nổi tiếng với nhiều di sản, di tích quốc gia (làng cổ, làng nghề, đình, chùa…), trong đó xã Đường Lâm (xứ Đoài - thị xã Sơn Tây) tập trung nhiều làng cổ hơn cả. Nơi đây, đường làng, ngõ xóm, cổng làng, nhà ở dân gian truyền thống vẫn tồn tại nhiều. Ngoài ra, các làng khác ở Hà Tây như Cự Đà (Thanh Oai), Đa Sĩ, Vạn Phúc (Hà Đông)... cũng còn một số nhà ở dân gian truyền thống.

Qua khảo sát của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhà ở dân gian truyền thống Hà Nội về cơ bản có những đặc điểm của nhà ở dân gian truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt thể hiện trong các ngôi nhà ở có kết cấu gỗ, mái dốc hai phía với cơ cấu gian lẻ, hai bên có chái, (3 gian 2 chái, 5 gian 2 chái, 7 gian 2 chái), có khuôn viên đa dạng gồm nhà chính, nhà phụ, cổng, tường rào, sân, vườn, giếng, ao. Những ngôi nhà ở truyền thống tại các địa điểm khác nhau, nhưng về cơ bản giống nhau, chỉ khác ở cách trang trí, trạm khắc của kết cấu và cửa, tường, xây.

Giếng cổ ở xóm Giang, Đường Lâm được đào, xây dựng từ năm 1933. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Chẳng hạn, tại Mông Phụ - Đường Lâm chủ yếu là đá ong, nền nhà thấp; Cự Đà trang trí cửa tinh xảo hơn.. Kiến trúc sư Tô Thị Toàn cho biết, tổ chức không gian đối với nhà ở dân gian là một khuôn viên đất (rộng hay hẹp do khả năng kinh tế của mỗi gia đình), bao gồm nhiều loại công trình tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, giếng tồn tại ở các gia đình hiện nay là rất ít; ao hầu như không còn, đã san lấp để xây dựng, trồng trọt.

Từ thực tế khảo sát, kiến trúc sư Tô Thị Toàn và các chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị cho rằng, việc bảo tồn và phát triển các nhà ở dân gian truyền thống của Hà Nội là việc làm cấp thiết, thường xuyên và lâu dài nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp với mục đích nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân trong các làng cổ Hà Nội. Song, với tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh như hiện nay, nếu từ chính quyền các cấp tới cộng đồng làng xã không ý thức triệt để trong việc bảo tồn, nhà ở dân gian truyền thống sẽ mất đi, không còn tồn tại.

Các chuyên gia kiến trúc kiến nghị, thành phố Hà Nội cần có chính sách thiết thực tới người dân, đặc biệt là những chính sách lớn trong bảo tồn để vừa gìn giữ, bảo tồn, vừa phát triển, lấy di tích “nuôi” di tích. Theo đó, Hà Nội cần điều tra kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể, đúng thực trạng nhà ở dân gian truyền thống. Việc bảo tồn và phát triển sẽ chia theo cấp độ: loại nhà bảo tồn nguyên trạng, loại nhà cải tạo từng phần được bảo tồn, loại nhà xây dựng mới trong làng cổ để tồn tại nhưng phải được sự đồng ý của chính quyền. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn; vận động, thuyết phục, giáo dục người dân có trách nhiệm, tự nguyện bảo vệ di tích; có quy chế bảo tồn làng cổ và kèm theo chế tài xử lý mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số làng cổ như: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đường Lâm... cần được bảo tồn như một bảo tàng sống. Đây sẽ là những hình ảnh nguyên mẫu của làng quê xưa với ý nghĩa trân trọng quá khứ và là điểm đến hấp dẫn của nhiều thế hệ du khách trong và ngoài nước.


Minh Nghĩa