03:10 18/03/2011

Bảo tồn chợ dân sinh: Nhiều đối tượng hưởng lợi

“Hãy chung tay với nhau, cùng đưa ra giải pháp khả thi để bảo vệ những chợ dân sinh ít ỏi còn lại ở các thành phố ở Việt Nam”, khuyến nghị này của Tiến sĩ - Kiến trúc sư Stephanie Geertman...

“Hãy chung tay với nhau, cùng đưa ra giải pháp khả thi để bảo vệ những chợ dân sinh ít ỏi còn lại ở các thành phố ở Việt Nam”, khuyến nghị này của Tiến sĩ - Kiến trúc sư Stephanie Geertman, chuyên gia tư vấn Chương trình thành phố sống tốt của Health Bridge Canada tại Việt Nam, đưa ra tại hội thảo “Chợ dân sinh trong thành phố” của các tập đoàn, tổ chức chiều 17/3, tại Hà Nội.

Theo nghiên cứu ban đầu của TS. KTS Stephanie Geertman, xu hướng các siêu thị, đại siêu thị được sở hữu bởi nước ngoài đang gia tăng tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Hoạt động cung cấp thực phẩm của các siêu thị này đang cạnh tranh khốc liệt với chợ dân sinh. Việc các chợ dân sinh trong các khu dân cư dần bị mất đi thay vào đó là các siêu thị, đang gây ra những tác động không mong muốn đối với sức khỏe, cuộc sống của cư dân các đô thị.

Theo TS. KTS Stephanie Geertman cũng như TS C. Michael Douglass, Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa, Đại học Hawai (Hoa Kỳ), cần phải duy trì hoạt động của chợ dân sinh do trước hết về mặt văn hóa xã hội, chợ này đóng vai trò to lớn trong sự hòa nhập xã hội của người dân trong các khu dân cư. Nghiên cứu chợ dân sinh ở các thành phố châu Á (Thái Lan, Hồng Công, Đài Loan…) cho thấy, cả người mua và người bán ở các chợ dân sinh đánh giá cao các mối quan hệ thân thiết nảy sinh từ các giao tiếp hàng ngày.

Chợ dân sinh là nơi mọi người có thể mua thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng. Ảnh : Lê Phú


Người đến chợ đều thừa nhận sự thoải mái về tinh thần khi đến chợ dân sinh nhờ sự sôi động của chợ. Về mặt sức khỏe, chợ dân sinh cung cấp thực phẩm tươi sống cho các tầng lớn dân cư. Những thực phẩm này giàu giá trị dinh dưỡng hơn các thực phẩm phải qua nhiều khâu chế biến như trong siêu thị. Về mặt kinh tế, chợ dân sinh là nơi mọi người có thể mua thực phẩm với giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập, nhất là với các đối tượng có thu nhập thấp. Cạnh đó, hoạt động của chợ dân sinh khiến mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xung quanh hoạt động tốt hơn và chợ cũng hưởng lợi từ các cửa hàng xung quanh này. Cho đến nay, những thực phẩm tươi sống được đưa đến từ những vùng sản xuất ven đô thị.

Do đó, chợ dân sinh là thành phần chính kết nối nền kinh tế đô thị và nông thôn. Nếu các chợ dân sinh biến mất trong các thành phố, khu dân cư và các siêu thị, chuỗi siêu thị dần tiếp quản việc cung cấp thực phẩm trong thành phố thì mối quan hệ giữa nội thành và ngoại thành sẽ thay đổi. Sự xáo trộn về mối quan hệ này sẽ dẫn đến sự mất mát to lớn cho nền kinh tế địa phương ở cả đô thị và nông thôn. Cụ thể là thực phẩm sẽ không được tươi, nó sẽ được chế biến sẵn và rất nhiều thực phẩm khác từ các vùng khác, nước khác như Trung Quốc, Thái Lan… sẽ xâm nhập vào chuỗi cung cấp thực phẩm của Hà Nội.

Theo các chuyên gia Health Bridge, quan sát xu hướng cải tạo chợ đang diễn ra, các hoạt động của chợ mới ở Hà Nội hiện nay thì chợ dân sinh đã không được bảo vệ và đánh giá đúng vai trò. “Do đó, việc vô cùng cần thiết đối với chính quyền thành phố Hà Nội hay bất cứ đô thị nào của Việt Nam là phải bảo tồn chợ dân sinh hơn là phá hủy chúng!”, các chuyên gia Health Bridge khuyến nghị.

Đồng quan điểm này, TS Phạm Thúy Loan, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, ngay cả với các đô thị hiện nay, các chủ đầu tư cũng không muốn dành đất cho chợ dân sinh. Mặc dù sau đó, khi đô thị hoàn thiện, chợ dân sinh vẫn tự phát khắp đô thị. “Chợ dân sinh không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần, truyền thống của dân địa phương. Do đó, thậm chí không nên cấm cả chợ cóc, chợ tạm mà nên tạo điều kiện cho các chợ dân sinh này có điều kiện hoạt động và hoạt động đúng nơi quy định để tạo thuận lợi cho cuộc sống cộng đồng!”, TS Loan nói.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể áp dụng một mô hình cải tạo chợ rất thành công của Trung Quốc, đó là cải tạo một chợ dân sinh tại thành phố Nam Ninh, chợ được xây dựng lại cao 9 tầng, nhưng ở tầng 1 không xây tường bao, chỉ là các cột thông thoáng để tạo điều kiện cho các hoạt động mua – bán của chợ truyền thống được thuận tiện.

Từ các tầng trên, mặt bằng mới dành cho siêu thị. “Việc cải tạo lại và hoạt động của các chợ Cửa Nam, Hàng Da hay chợ Bưởi như hiện nay là chưa tối ưu cho các đối tượng kinh doanh, kể cả người đến chợ mua hàng”, TS Liêm nói.

Xuân Hương