09:22 17/09/2014

Bão số 3 làm ít nhất 9 người chết, 1 mất tích

Tính đến 21 giờ ngày 17/9, bão số 3 đã làm 9 người chết (trong đó Lạng Sơn 8 người, Nghệ An 1 người); 1 người ở Thái Nguyên bị lũ cuốn trôi mất tích và 10 người bị thương.

Tính đến 21 giờ ngày 17/9, bão số 3 đã làm 9 người chết (trong đó Lạng Sơn 8 người, Nghệ An 1 người); 1 người ở Thái Nguyên bị lũ cuốn trôi mất tích và 10 người bị thương.

 

Đập tràn Tân Ấp, xã Phúc Thuận (Thái Nguyên). Ảnh: Thu Hằng – TTXVN

 

Bên cạnh đó, cơn bão này cũng làm sập đổ nhiều căn nhà, hư hỏng nhiều trường, lớp học, 458 căn nhà bị tốc mái; gãy đổ 20 cột điện, 1 cột ăng ten truyền hình; làm cháy 3 trạm biến áp và trạm điện hạ thế và thiệt hại hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu...

 

Bão số 3 sau khi đổ bộ vào Quảng Ninh vào tối qua 16/9 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào vùng núi phía Tây Bắc Bộ thành một vùng áp thấp. Bão đã gây mưa to và gió giật mạnh tại nhiều tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn...

 

Quảng Ninh là địa phương bị thiệt hại nặng khoảng 20 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 6 nhà cấp 4 và 3 công trình phụ bị đổ; 147 nhà cấp 4 bị tốc mái; 5.103 ha lúa, hoa màu bị đổ, gãy, ngập; 20 cột điện dân sinh, hạ thế, 1 cột ăngten truyền hình bị đổ; 2 trạm biến áp bị cháy và nhiều cây xanh bị đổ gãy, cửa kính bị vỡ.

 

Tại Hải Phòng, tàu cá NA 99886 đang gia cố neo bị sự cố làm 2 thuyền viên bị thương nặng. Đến 7 giờ 15 ngày 17/9, tàu CN-09 đưa được 2 nạn nhân về bến Bính và bàn giao cho Cấp cứu 115 đưa vào bệnh viện cứu chữa.

 

Do mưa to sau hoàn lưu bão số 3, các tuyến tỉnh lộ và Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bị sạt lở nhiều điểm, gây tắc đường. Tỉnh lộ 254 bị cả một quả đồi sạt lở xuống với tổng khối lượng đất đá phải giải phóng là 8.000 m3, cho đến 12 giờ ngày 17/9 đã thông xe bước 1. Còn tại tuyến tỉnh lộ 258, tại Km12+260 bị sạt lở, gây tắc đường, hiện các lực lượng đang tập trung xử lý, dự kiến đến tối 17/9 tuyến đường này sẽ thông xe bước 1.

 

Hiện nay trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên hầu hết các sông, suối khu vực đều đang dâng lên rất cao, nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra tại một số khu vực. Các ngành, các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

 

*Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, tính đến 17 giờ ngày 17/9, hoàn lưu bão số 3 mang theo mưa to, gió giật mạnh cấp 7 gây thiệt hại nặng tại 11 huyện của tỉnh Cao Bằng.

 

Tuy bão không gây thiệt hại về người, nhưng làm 234 ngôi nhà, 9 điểm trường học và 1 nhà công vụ xã bị tốc mái; cháy 1 trạm điện hạ thế; sạt lở hơn 1000 m3 đất đá xuống tuyến đường liên xã Cao Sơn- Phan Thanh (huyện Nguyên Bình) gây ách tắc giao thông; trên 1.000 ha lúa, ngô bị đổ gãy, ngập úng... Tổng thiệt hại ước tính 7,2 tỉ đồng. 

 

Hiện, công tác khắc phục hậu quả đang được các ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”, các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương chỉ đạo, giúp người dân sửa sang lại nhà cửa. Đồng thời duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn các cấp đảm bảo quân số, sẵn sàng huy động khi cần thiết. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, cập nhật thông tin và báo cáo kịp thời tình hình mưa bão và thiệt hại theo quy định.

 

* Tại Thái Bình, tuy bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng cũng làm khoảng hơn 10.800 ha lúa mùa bị đổ; khoảng 390 ha diện tích cây màu hè thu (đậu, đỗ các loại) bị ảnh hưởng đến năng suất và gần 1.300 ha cây vụ đông mới trồng (ngô, ớt, bí...) bị ảnh hưởng.

 

Tại huyện Tiền Hải - huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn đã xảy ra mưa lớn làm ngập úng cục bộ một số tuyến đường, khu tập thể, trường học. Đặc biệt, ở các trường Phổ thông cơ sở Tiền Hải, Phổ thông Trung học Tây Tiền Hải, trường Phổ thông Trung học 14/10 (thị trấn Tiền Hải) đến thời điểm hiện tại, mực nước ngập trong khuôn viên trường vẫn còn ở mức 20 - 30 cm. Do mưa ngập nên ngày 17/9, học sinh theo học tại các trường này vẫn phải nghỉ học; giáo viên tại các trường đang ra sức thu dọn rác, quét rửa lại hệ thống lớp học, hành lang để có thể tiến hành công tác giảng dạy trong thời gian sớm nhất.

 

Bên cạnh đó,khu tập thể - nơi sinh sống của hàng chục hộ gia đình là công nhân của Nhà máy nung gạch men sứ Long Hầu (thị trấn Tiền Hải) cũng đang ngập lụt với mức nước từ 30 - 40 cm. Sáng 17/9, các hộ dân sống ở tầng 1 đã thu dọn, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà khi nước hạ thấp. Công tác vệ sinh tiêu độc, tránh bệnh truyền nhiễm cũng được người dân nơi đây chú trọng thực hiện.

 

Pv TTXVN tại các địa phương