07:18 28/07/2016

Bão số 1 làm gây úng ngập, mất điện trên diện rộng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến chiều ngày 28/7 cơn bão số 1 đã làm 1 người mất tích, 12 tàu cá bị chìm; tổng diện tích rau màu bị hư hại 20.794 ha.

Trường hợp mất tích là anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên tàu TH 90298. Tàu này bị hỏng máy và chìm cách đảo hòn Mê khoảng 3,5km. Trên tàu có 6 thuyền viên, trong đó 5 người đã được tàu TH 90817 đi cùng cứu vớt. 

Tổng số 12 tàu cá bị chìm gồm: Nam Định có 7 tàu cá bị chìm (Đồn biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ chiến sỹ, 2 phương tiện cứu nạn đưa người trên phương tiện vào bờ an toàn). Thanh Hóa 2 tàu cá bị chìm, Hải Phòng 3 tàu cá bị chìm. Tổng diện tích lúa bị ngập úng: 196.279 ha (Nam Định 77.800 ha; Thái Bình 50.000 ha; Ninh Bình 37.000 ha; Hà Nam 18.000 ha, Hải Phòng 11.288 ha; Hà Nội 1.541 ha; Hòa Bình 650 ha.
 

Bão số 1 gây mất điện, ngập úng trên diện rộng. Ảnh. H.V


Tổng diện tích rau màu bị hư hại 20.794 ha; 5.562 cây bị đổ; 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Nam Định bị thiệt hại; 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn tại tỉnh Hà Nam; 1.425 nhà bị tốc mái hư hỏng (Hà Nam 967 căn, Hà Nội 458 căn); 27 phòng học tại tỉnh Thái Bình bị hư hỏng… Mất điện trên diện rộng từ đêm 27/7 tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Một số hồ chứa có mực nước cao so với thiết kế: Trại Muối (Bắc Giang) 102%; Quán Chẽ (Thái Nguyên) 100%; Vĩnh Thành (Vĩnh Phúc) 102%... Hiện các hồ chứa (bao gồm hồ chứa thủy điện) ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn được vận hành đảm bảo an toàn.
 
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời cho các địa phương để tập trung chỉ huy ứng phó, và khắc phục hậu quả; đồng thời nắm bắt, đánh giá đúng tình hình thiệt hại do bão số 1 gây ra tại các địa phương. Tập trung khắc phục kịp thời các sự cố về điện phục vụ việc tiêu úng cứu lúa và chống ngập lụt các khu đô thị, ổn định dân sinh. Đôn đốc các địa phương: quản lý, giám sát chặt chẽ các hồ chứa, nhất là các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa xung yếu, tiếp tục xả bớt nước qua cống, cửa xả để đảm bảo an toàn công trình; kiểm tra, rà soát kịp thời sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. 

Các địa phương cần tổ chức các đoàn công tác để nắm tình hình, phối hợp với các địa phương chỉ đạo việc tiêu úng tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện số 1314/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 15/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia TKCN. 

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục đã cử các đoàn công tác xuống địa phương với nhiệm vụ đánh giá tình hình ngập úng về lúa hoa màu và cây ăn quả; Đồng thời cùng với địa phương bàn các biện pháp tháo gỡ. Trước mắt là tiêu úng thoát nước, cứu được những diện tích đang bị ngập úng. Đối với những diện tích không thể cứu được thì phải có các biện pháp tiếp theo đảm bảo sản xuất và thu nhập cho nông dân.

 Để khôi phục lại sản xuất, ông Cường cho biết: “Chúng ta có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày, áp dụng biện pháp gieo xạ rút ngắn thời gian sinh trưởng, hoặc những loại cây rau màu thay thế để khôi phục sản xuất. Đoàn sẽ tập hợp thiệt hại để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chính phủ để đề xuất những chính sách hỗ trợ, giải quyết nhanh nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra”.

H.V