04:11 19/04/2011

Bạo lực leo thang tại châu Phi và Trung Đông

Ngày 18/4, tình trạng binh biến tại thủ đô Oagađugu của Buốckina Phaxô đã lan tới thành phố miền bắc Kaya, khi các binh sĩ và cảnh sát đổ xuống đường phố và liên tục bắn chỉ thiên, thậm chí họ còn tấn công nhà riêng của một sĩ quan quân đội.

Ngày 18/4, tình trạng binh biến tại thủ đô Oagađugu của Buốckina Phaxô đã lan tới thành phố miền bắc Kaya, khi các binh sĩ và cảnh sát đổ xuống đường phố và liên tục bắn chỉ thiên, thậm chí họ còn tấn công nhà riêng của một sĩ quan quân đội.

Trước đó, các nguồn tin nước ngoài cho hay, làn sóng biểu tình ở Buốckina Phaxô nhằm chống lại Tổng thống Blaise Compaore đã lan tới miền nam và miền đông nước này. Các binh sĩ trong một doanh trại quân đội ở thị trấn miền nam Po (cách Oagađugu 140 km) đã kiểm soát thị trấn này, cướp bóc và thu giữ phương tiện giao thông của người dân, làm ít nhất hai người bị thương.

Biểu tình đòi Tổng thống Yêmen Abdullah Saleh từ chức ở Xana ngày 18/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại thành phố miền đông Tenkodogo, các binh sĩ bắn chỉ thiên trong nhiều giờ liền vào đêm 17/4. Những vụ nổi loạn này diễn ra sau các cuộc bạo loạn buộc chính quyền phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại Oagađugu.

* Tại Yêmen ngày 18/4, đụng độ đã xảy ra khi lực lượng an ninh bắn hơi cay và đạn thật nhằm giải tán các đám đông biểu tình gồm hàng nghìn người đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải từ chức. Theo các nguồn tin y tế, cuộc đụng độ đã làm hàng chục người bị thương, trong đó có ít nhất 14 cảnh sát, và 1.000 ca bị ngạt hơi cay. Biểu tình và tuần hành quy mô lớn còn diễn ra tại 8 tỉnh, thành trên khắp Yêmen khi hàng chục nghìn người đổ xuống đường phản đối Tổng thống Saleh. Đây là diễn biến mới nhất trong làn sóng biểu tình diễn ra gần như thường nhật tại Yêmen thời gian qua, nhằm yêu cầu chấm dứt 33 năm cầm quyền của ông Saleh và sa thải những nhân vật thân cận với ông hiện đang nắm giữ các vị trí cao trong quân đội và cảnh sát. Ước tính đã có hơn 120 người thiệt mạng do đụng độ trong các cuộc biểu tình bùng phát từ đầu năm nay.

* Cùng ngày, chiến sự vẫn diễn ra dữ dội tại Libi. Theo hãng AFP, lực lượng chính phủ Libi đã tấn công từ phía tây Ajdabiya, buộc phe đối lập phải tháo chạy khỏi thành phố này. Phe đối lập cũng cho biết, giao tranh đã làm ít nhất 8 người thiệt mạng và 27 người bị thương, đồng thời chỉ trích NATO đã không can thiệp để ngăn chặn các cuộc tiến công của lực lượng chính phủ. Trong khi đó, tại thành phố Misrata, phe đối lập tuyên bố đã tổ chức nhiều cuộc đột kích thành công nhằm vào lực lượng chính phủ, bắn hạ nhiều binh sỹ.

Trong một động thái mới của Oasinhtơn nhằm chống lại nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Mỹ (HRW) đã cáo buộc lực lượng chính phủ Libi sử dụng bom chùm, loại vũ khí gây sát thương lớn đã bị LHQ cấm sử dụng, tại Misrata. Ngay lập tức, chính phủ Libi đã phủ nhận cáo buộc này, khẳng định quân đội Libi không bao giờ sử dụng loại vũ khí trên và yêu cầu HRW đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.

* Tình hình Xyri ngày 18/4 tiếp tục căng thẳng sau khi Tổng thống nước này Bashar al-Assad tuyên bố sẽ dỡ bỏ Luật tình trạng khẩn cấp được ban hành tại quốc gia này kể từ năm 1963. Những người tham gia biểu tình cáo buộc lực lượng an ninh chính phủ đã nổ súng để giải tán biểu tình tại nhiều thành phố như Homs, thành phố cảng Latakia và một số thành phố khác ở miền nam Xyri làm ít nhất 10 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Trong khi đó, hãng tin chính thức SANA đưa tin tại thành phố Homs, 1 cảnh sát bị thiệt mạng và 11 người khác bị thương do bị một nhóm tội phạm có vũ trang tấn công. Hãng tin trên khẳng định, 3 đối tượng tội phạm có vũ trang đã bị tiêu diệt và 15 đối tượng khác bị thương.

Các tay súng nổi dậy ở Libi trước khi bị đánh bật khỏi Ajdabiya ngày 18/4. Ảnh: AFP/TTXVN


* Tại Nigiêria, ít nhất 10 người đã thiệt mạng do bạo lực hậu bầu cử tại các khu vực khác nhau thuộc bang Gombe ở miền tây bắc của nước này sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 16/4 vừa qua. Theo các nguồn tin nước ngoài, một số thanh niên tức giận đã tấn công dinh thự của Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhân dân cầm quyền (PDP) Jack Gumpy làm 9 người trong nhà thiệt mạng. Sự việc xảy ra ngay sau khi kết quả bầu cử tổng thống tại khu vực này được công bố. Ngoài ra, một cảnh sát cũng đã thiệt mạng do một số thanh niên tấn công dọc con đường Biu tại bang này. 

* Ngày 18/4, Vùng Xanh của Irắc đã rung chuyển vì hai vụ đánh bom xe liên tiếp làm 9 người thiệt mạng và 23 người bị thương, trong đó có 9 nhân viên an ninh chính phủ. Các vụ tấn công, cách nhau ít phút tại hai địa điểm chỉ cách nhau vài km, xảy ra trên tuyến đường đi từ sân bay quốc tế tới Vùng Xanh, nơi tập trung đại sứ quán các nước và hầu hết các cơ quan chính phủ Irắc. Theo người phát ngôn quân đội Irắc, Thiếu tướng Qassim al-Moussawi, mục tiêu của những kẻ tấn công trong vụ đánh bom đầu tiên là đoàn xe hộ tống hai quan chức cấp cao của chính phủ, gồm một quan chức quân đội và một thành viên nội các.

* Ngày 18/4, một phần tử âm mưu đánh bom liều chết đã thực hiện một vụ tấn công bên trong trụ sở Bộ Quốc phòng Ápganixtan ở thủ đô Cabun, làm 2 binh sĩ thiệt mạng và 7 người khác bị thương. Tên này đã bị các binh sĩ bắn hạ trước khi kịp kích nổ quả bom cài trong áo.

Phiến quân Taliban đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này và cho biết mục tiêu là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longguet đang ở thăm Ápganixtan. Tuy nhiên, giới chức Pháp tại Pari cho biết không có bằng chứng cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Longguet là mục tiêu vụ tấn công trên.

H.H - TTG