06:21 20/06/2012

Báo in Hồng Công "sống khỏe" thời công nghệ số

Các tờ báo in tại đây vẫn thu hút được lượng lớn độc giả và “sống khỏe” trong bối cảnh báo in trên thế giới đang bị sụt giảm mạnh lượng phát hành do sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình báo chí khác.

Ngay từ khi mới sang công tác thường trú tại Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc), tôi đã nhận thấy một sự khác biệt rất rõ nét so với báo chí trong nước. Đó chính là việc các tờ báo in tại đây vẫn thu hút được lượng lớn độc giả và “sống khỏe” trong bối cảnh báo in trên thế giới đang bị sụt giảm mạnh lượng phát hành do sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình báo chí khác.

Không mất tiền còn được cảm ơn


Vào mỗi buổi sáng, tại những góc phố gần các tòa nhà văn phòng, cạnh ga tàu điện ngầm, dưới chân các cây cầu vượt dành cho người đi bộ, hay thậm chí là trong các cửa hàng tạp hóa, người ta thường thấy những chồng báo cao lút đầu người. Những người không biết sẽ tưởng đó là những đại lý bán báo lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Đó chính là những chồng báo miễn phí, phát cho bất kỳ ai có nhu cầu lấy báo. Chỉ cần đi ngang qua và cầm một hoặc thậm chí vài ba tờ báo dày cộp, là bạn đã có được trong tay một lượng thông tin cực lớn để có thể “nghiền ngẫm” trên xe buýt, tàu điện leng keng hay trong tàu điện ngầm. Không những được lấy báo miễn phí, bạn còn nhận được những lời cảm ơn hay một câu chúc tốt lành từ các chủ đại lý sách báo, chủ cửa hàng. Cảm nhận này quả thực rất mới lạ với những người lần đầu đặt chân đến xứ Cảng Thơm!

Bạn chỉ cần đi ngang qua cửa hàng tạp hóa này là có ngay tờ báo miễn phí trong tay.


Kết quả một cuộc khảo sát của nhật báo Sharp Daily cho thấy, có tới gần 90% trong số 300 người được hỏi trả lời rằng họ có thói quen lấy báo miễn phí mỗi ngày. Con số này đủ để nói lên sức hấp dẫn của việc phát báo miễn phí đối với độc giả Hồng Công.


Phải thừa nhận rằng người Hồng Công rất ham mê đọc báo. Họ có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Bạn có thể thấy những người đọc báo ở bất cứ đâu, trạm chờ xe buýt, ga tàu điện ngầm, công viên, thậm chí là vừa đi vừa đọc. Chính vì thế, ngoài sự nổi tiếng là một “thiên đường mua sắm”, một trung tâm tài chính của thế giới, Hồng Công còn nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực báo chí và được nhiều người coi là “thiên đường của báo chí”.

Người Hồng Công tranh thủ đọc báo mọi lúc, mọi nơi


Quả đúng như vậy! Dân số Hồng Công hiện nay chỉ vào khoảng 7,2 triệu người, nhưng số lượng cơ quan báo chí ở đây lại vào loại “khủng”. Tính sơ sơ thì Hồng Công cũng có gần 700 đầu báo và tạp chí, chưa kể các trang web liên quan tới truyền thông. Riêng báo ra hằng ngày, Hồng Công hiện có 48 tờ, gồm 23 báo tiếng Trung (chủ yếu là chữ phồn thể), 13 báo tiếng Anh, 7 báo song ngữ, 5 báo tiếng Nhật cùng 642 tạp chí định kỳ.


Báo chí Hồng Công “sống khỏe” thực chất là nhờ quảng cáo. Những tờ báo lớn ở Hồng Công thường có từ 10 - 20 trang quảng cáo. Vào dịp cuối tuần, đặc biệt là thứ 6, số trang quảng cáo có thể lên tới vài chục. Ví dụ, trong số ra vào thứ 6, ngày 8/6/2012, tờ Thái Dương có khoảng 50 trang quảng cáo toàn phần, chưa kể những mẩu quảng cáo nhỏ hoặc bài PR. Như vậy, có thể nói quảng cáo chính là nguồn nuôi sống những tờ báo miễn phí. Tuy nhiên, những tờ báo bán như Văn Hối, Thái Dương, Đại Công báo, Bình Quả, Đông Phương Buổi sáng, Thương báo, Minh báo, hay Tín báo vẫn bán rất chạy, dù có tăng giá như trường hợp của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.


Mặt trái của báo miễn phí


Mặc dù vậy, báo miễn phí cũng có mặt trái của nó. Kết quả cuộc khảo sát nói trên của tờ Sharp Daily cũng chỉ ra rằng khoảng 60% số người được hỏi cho biết hàng ngày họ đọc ít nhất hai tờ báo, mà mỗi tờ báo dày cộp có hàng chục trang quảng cáo các loại. Tuy nhiên, không phải ai lấy báo miễn phí cũng để đọc. Có người xếp hàng lấy báo chỉ để làm giấy gói hàng, có người lấy báo để bán giấy vụn. Chính vì vậy, không loại trừ khả năng báo miễn phí sẽ góp phần hình thành thói quen “miễn phí” và “ăn bám”, bởi quan niệm chẳng mất tiền thì tội gì không lấy!


Một khía cạnh tiêu cực khác là vấn đề môi trường. Chỉ tính riêng số báo miễn phí, hàng ngày lượng phát hành đã vào khoảng 3 triệu bản. Theo tính toán của nhà hoạt động Hồng Công, Quách Gia Kỳ, chỉ tính riêng 5 tờ báo tiếng Trung miễn phí mỗi ngày đã “ngốn” khoảng 440 tấn giấy. Điều này có nghĩa là, để đáp ứng lượng giấy in khủng khiếp này trong một tuần, người ta phải đốn hạ tới 37.000 cây gỗ. Chính vì vậy, nhiều tổ chức môi trường đã lên tiếng phản đối việc phát báo miễn phí, khiến các tờ báo miễn phí phải chịu áp lực lớn.


Ngày 19/9/2011, tờ Sharp Daily đã trở thành thành viên thứ sáu trong làng báo miễn phí Hồng Công, với lượng phát hành mỗi ngày là 800.000 bản. Lãnh đạo báo này hướng đến mục tiêu 1 triệu bản/ngày, song tờ báo này đã vấp phải sự phản đối của không ít người. Ngoài việc gửi khiếu nại lên Cục Quản lý Điện ảnh và Hoạt động Giải trí Hồng Công, nhiều người còn đăng đàn diễn thuyết chỉ trích nội dung bất nhã, dâm dục và bạo lực của Sharp Daily, khiến lượng phát hành của tờ báo miễn phí đầy tham vọng này đi xuống rõ rệt. Rốt cuộc, theo ông chủ của tờ nhật báo thuộc Tập đoàn Centaline Property này thì cuối cùng “nội dung sẽ quyết định ai là người chiến thắng”, bởi những độc giả thông minh sẽ lựa chọn những tờ báo có uy tín về mặt thông tin, chứ không chọn những tờ báo chạy theo mục đích thương mại, chuyên đăng những nội dung giật gân câu khách mang tính dung tục.


Bài và ảnh:Tiến Trung(P/V TTXVN tại Hồng Công)