11:11 29/11/2014

Bảo hiểm y tế - Phao cứu sinh cho bệnh nhân HIV/AIDS

Việc người nhiễm HIV/AIDS phải bỏ chi phí ra mua thẻ Bảo hiểm y tế sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Từ ngày 1/1/2015, khi các nguồn lực hỗ trợ điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chấm dứt thì Bảo hiểm y tế (BHYT) chính là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống. Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng.

Phao cứu sinh cho người nhiễm HIV/AIDS

Tính đến tháng cuối 8/2014, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tích lũy các trường hợp nhiễm HIV là 1.752 trường hợp, 770 trường hợp bệnh nhân AIDS, đã tử vong do nhiễm HIV/AIDS 440 trường hợp và bệnh nhân HIV hiện còn sống là 1.312 trường hợp. Trong số đó, có 973 trường hợp nhiễm HIV là người Đà Nẵng, 641 trường hợp đã chuyển sang AIDS, 414 trường hợp đã tử vong và 559 trường hợp người nhiễm HIV hiện đang còn sống.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng cho biết, khi bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được thanh toán các khoản phí như những bệnh nhân khác thì đây là tín hiệu rất đáng mừng cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bởi hiện nay các chi phí để điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại thành phố Đà Nẵng đều dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế.

Cấp phát thuốc cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015 các nguồn hỗ trợ của dự án cho điều trị HIV/AIDS tại thành phố Đà Nẵng chấm dứt, nếu các kinh phí điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS không được bảo hiểm y tế chi trả là một điều vô cùng khó khăn cho bệnh nhân. Đa phần các bệnh nhân AIDS đều nằm trong đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị, trong khi các bệnh nhân HIV khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cần phải điều trị nên chi phí dành cho điều trị tăng.

Đối với các bệnh nhân nhiễm HIV ngay cả khi chưa chuyển sang giai đoạn AIDS cũng phải luôn được khám, tầm soát phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội nên cần được thanh toán các chi phí liên quan đến các xét nghiệm phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, nếu bệnh nhân HIV/AIDS đăng ký, quản lý, khám chữa bệnh tại các phòng khám ngoại trú, bệnh nhân còn được điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội bằng thuốc Cotrimoxazole và thuốc INH để phòng lao, giúp bệnh nhân tránh được các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp như viêm phổi, lao. Vì vậy, bảo hiểm y tế chính là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, việc người nhiễm HIV/AIDS phải bỏ chi phí ra mua thẻ Bảo hiểm y tế sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bỏ điều trị và giảm nguy cơ nhờn thuốc cũng như bệnh nhân phải chuyển sang phác đồ điều trị khác, tốn kém hơn rất nhiều.

Khó khăn trong triển khai thẻ Bảo hiểm Y tế

Mặc dù bảo hiểm y tế chính là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, để 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ Bảo hiểm y tế là điều khó khăn bởi đa phần bệnh nhân là những hộ nghèo, cận nghèo không kinh phí để mua Thẻ Bảo hiểm y tế, trên 50% bệnh nhân nhiễm HIV là người ngoại tỉnh không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không có giấy tờ cần thiết nên không thể đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa nhận thức được tầm quan trọng của thẻ Bảo hiểm y tế, bởi vì từ trước đến nay thuốc ARV và các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh do dự án quốc tế chi trả. Đồng thời, tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS của cộng đồng còn ở mức cao nên người nhiễm HIV/AIDS sợ không muốn bộc lộ danh tính để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Khám và tư vấn điều trị HIV. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Bà Phạm Thị Đào cho biết thêm, những bệnh nhân nhiễm HIV còn mang nặng tâm lý sợ cộng đồng kỳ thị và phân biệt đối xử nên khi đi xét nghiệm HIV họ thường khai sai địa chỉ. Vì vậy khi xét nghiệm, phát hiện họ có kết quả xét nghiệm HIV dương tính thì không tìm gặp được người nhiễm để tư vấn hỗ trợ tâm lý , quản lý và giới thiệu họ đến với các dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, một số người nhiễm HIV/AIDS thường xuyên thay đổi chỗ ở nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Cần hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS mua thẻ bảo hiểm y tế

Hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 173 trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có Thẻ bảo hiểm y tế trong tổng số 280 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đăng ký, quản lý, khám bệnh tại các phòng khám HIV/AIDS ngoại trú. Khi các dự án hỗ trợ chấm dứt thì đa phần số bệnh nhân không có Thẻ bảo hiểm y tế sẽ rất khó khăn để tiếp tục điều trị.

Theo đó, Trung tâm phòng chống nhiễm HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế trong điều trị HIV/AIDS; đặc biệt đối với thuốc ARV và các xét nghiệm đặc hiệu như xét nghiệm CD4, đo tải lượng vi rút. Địa phương cần rà soát số lượng người nhiễm HIV/AIDS chưa được cấp Thẻ Bảo hiểm y tế để có chính sách hỗ trợ đối với những người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự mua thẻ bảo hiểm y tế.

Riêng đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS, cần thực hiện tốt cuộc vận động 3 tự "tự tin, tự giác và tự lập"; trong đó, tự giác công khai danh tính để mạnh dạn tới địa phương đăng ký bảo hiểm y tế cho người nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện có tại địa phương. Với bệnh nhân ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn thành phố cần hoàn thiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu hoặc KT3 tạm trú tại địa phương và đăng ký bảo hiểm y tế cho người người nghèo theo chính sách hỗ trợ hiện hành tại địa phương. Cần tiếp cận với cán bộ chuyên trách HIV/AIDS xã, phường để được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc mua, cấp Thẻ Bảo hiểm y tế.

Chị Phạm Thị T, sinh năm 1982, tạm trú tại Sơn Trà chia sẻ: Tôi bị nhiễm HIV từ năm 2003. Chồng tôi cũng nhiễm HIV, đã mất năm 2005. Ý thức được việc sử dụng bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm chi phí khi làm các xét nghiệm và khám, chữa bệnh nên tôi rất muốn làm thẻ Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, do tôi không có hộ khẩu thường trú ở địa phương nên không thể tham gia bảo hiểm y tế. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng có chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV như tôi có thể tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng cảnh ngộ với chị T, chị Phạm Thị H L, sinh năm 1985, trú Hòa Minh, Liên Chiểu cho biết: Cả hai vợ chồng tôi đều bị nhiễm HIV, gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên không có đủ điều kiện để mua thẻ Bảo hiểm y tế. Vì vậy, mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ để vợ chồng tôi mua thẻ Bảo hiểm y tế điều trị bệnh để duy trì sự sống.


Đinh Nhiều