11:01 14/11/2011

Bảo hiểm việc làm- “giá đỡ” cho lao động thất nghiệp

Được xây dựng trên cơ sở chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, nhưng, bảo hiểm việc làm (nội dung đang soạn thảo dự kiến trình Quốc hội năm 2012) sẽ hoàn thiện và bổ sung thêm những điều kiện hỗ trợ, cụ thể hơn về mức hưởng, chế độ hưởng đối với lao động khi thất nghiệp.

Được xây dựng trên cơ sở chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, nhưng, bảo hiểm việc làm (nội dung đang soạn thảo dự kiến trình Quốc hội năm 2012) sẽ hoàn thiện và bổ sung thêm những điều kiện hỗ trợ, cụ thể hơn về mức hưởng, chế độ hưởng đối với lao động khi thất nghiệp. Phóng viên Tin Tức trao đổi với ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) về một số nội dung mới này.

´Bảo hiểm việc làm có ý nghĩa như thế nào đối với người lao động và chủ sử dụng lao động, thưa ông?

Chính sách bảo hiểm việc làm (BHVL) là một nội dung trong Luật Việc làm đang được xây dựng trên cơ sở chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và sẽ bổ sung, sửa đổi những điểm chưa phù hợp. Đây sẽ là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động và chủ sử dụng lao động. Cụ thể, đối tượng tham gia là những lao động Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và các doanh nghiệp sử dụng lao động.

Cán bộ phòng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội hướng dẫn cho người lao động kê khai để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh : Hữu Việt - TTXVN


Về mục đích, BHVL nhằm ngăn chặn, hạn chế thất nghiệp, hỗ trợ người thất nghiệp, thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm việc làm, hỗ trợ người lao động để sớm có việc làm nhằm ổn định cuộc sống.


´Như vậy, BHVL sẽ sửa đổi gì so với chính sách bảo hiểm thất nghiệp?

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay quy định thời gian đăng ký thất nghiệp là trong vòng 7 ngày sau khi người lao động mất việc. BHVL đang được soạn thảo sẽ “nới” thời gian đăng ký thất nghiệp cho người lao động lên thành 90 ngày. Khoảng thời gian 90 ngày là một khoảng thời gian hợp lý hơn, đủ để người lao động đi tìm việc làm, hoặc cân nhắc kỹ trước khi đăng ký thất nghiệp.

Về mức đóng, dự kiến sẽ quy định một mức tối thiểu, tương đương với mức trợ cấp được xác định mà người thất nghiệp được hưởng, đảm bảo đủ để hỗ trợ cho người lao động khi bị thất nghiệp.

Như vậy, mức hưởng được tính theo mức đóng, theo từng năm, sẽ xây dựng theo hướng: Nếu đóng đủ 12 tháng BHVL, sẽ được nhận mức trợ cấp có thể là 2 tháng nhân với 60% lương tháng bình quân của 6 tháng trước khi thất nghiệp. Nếu thời gian đóng đủ BHVL cao hơn 12 tháng, sẽ tính cho mỗi năm đóng thêm được hưởng thêm 1 tháng lương nhân với 60% lương tháng bình quân của 6 tháng trước khi thất nghiệp. Người thất nghiệp không được nhận hỗ trợ quá 12 tháng. Trong BHVL sẽ tính đến việc phải có 1 khoản hỗ trợ thêm cho người lao động tích cực tìm việc làm mới.

Việc hỗ trợ học nghề cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là không quá 6 tháng. Tới đây, chúng tôi đang tính trong BHVL sẽ điều chỉnh theo hướng mức hỗ trợ cao hơn và thời gian kéo dài hơn.

Tất nhiên, những hỗ trợ này sẽ trên cơ sở các quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, chỉ hoàn thiện hơn, trên cơ sở tổng kết những vấn đề thực tiễn.

Người lao động đăng ký để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại điểm Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh : Hữu Việt - TTXVN


´Khi có BHVL, liệu người lao động có đóng cả bảo hiểm thất nghiệp và BHVL không?


Về cơ bản, khi đóng BHVL, người lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nữa. Dự kiến sẽ huy động hỗ trợ từ các nguồn khác, ví dụ, từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm để hỗ trợ cho việc phòng ngừa thất nghiệp.

Nguồn đóng góp của BHVL là trên tinh thần cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất nhằm tạo điều kiện tham gia cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Mức tối thiểu là mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay.
Từ khi triển khai bảo hiểm thất nghiệp tới nay, tôi chưa nhận được kêu ca gì về việc mức đóng là quá sức với người lao động và doanh nghiệp. Do đó, mức đóng BHVL tới đây sẽ được tính toán để không là gánh nặng cho người sử dụng lao động.
´Thưa ông, lâu nay, hiện tượng nợ đọng và chây ì bảo hiểm xã hội vẫn đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý. Vậy làm thế nào để khi thực hiện BHVL sẽ tránh “vết xe đổ” đó vì điều này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động?
Một là trong các văn bản sẽ phải quy định thật rõ trách nhiệm của các chủ sử dụng lao động và người lao động trong việc đóng BHVL, của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề kiểm soát việc đóng BHVL. Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin cho mình về việc này.
Hai là, phải có biện pháp kiên quyết xử lý khi phát hiện các trường hợp nợ, chây ì, trốn đóng BHVL. Biện pháp phải mạnh mới đủ sức răn đe.
Một giải pháp rất quan trọng khác là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia.
Xin cảm ơn ông!

Mạnh Minh (thực hiện)