Tranh thủ thời cơ hội nhập để phát triển

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại nhân dịp hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và hội nghị Tham tán thương mại 2013. Đây là lần thứ 2 Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng chủ trì phiên họp.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị tham tán thương mại năm 2013, ngày 17/12.Đức Tám – TTXVN


Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, tại phiên họp chung của hội nghị ngoại giao lần thứ 27 và hội nghị Tham tán thương mại năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể về nhiệm vụ và định hướng triển khai hội nhập quốc tế. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, công tác hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chuyển biến trong tư duy hội nhập, nhận thức và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đạt được nhiều tiến bộ.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để triển khai hội nhập quốc tế theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 22 đòi hỏi không chỉ đổi mới về tư duy hội nhập và phát triển nâng tầm trí tuệ mà còn cần có bản lĩnh quyết tâm lớn của các cấp các ngành và địa phương. Trước hết, chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế cần sớm được cụ thể hóa bằng một chiến lược tổng thể để gắn kết đồng bộ hội nhập trong các lĩnh vực trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm; cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước, các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực để tranh thủ tối đa lợi ích từ các mối quan hệ này phục vụ cho an ninh và phát triển của đất nước.


Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư , Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội... phát biểu tham luận về triển khai nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 trong bối cảnh Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; chủ trương, phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời kỳ tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực lao động và xã hội…


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công tác đối ngoại, công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại trong 3 năm qua (từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.


Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến đất nước, song với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong 3 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, khắc phục được một bước quan trọng tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên, xuất khẩu tăng mạnh; trong khó khăn vẫn giữ được tổng đầu tư toàn xã hội ở mức khoảng 30% GDP; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Những kết quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại.


Đề cập tới nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung của công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại là quán triệt, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường hòa bình, hữu nghị, gắn lợi ích đất nước với lợi ích chung của khu vực và thế giới; góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ thời cơ để phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của đất nước...


Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại trước hết cần đặc biệt coi trọng tới công tác mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó cần thực hiện hiệu quả công tác mở rộng thị trường truyền thống để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, hàng dệt may, da giầy,... Đồng thời, tranh thủ các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương đã có để đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường mới. Công tác mở rộng thị trường xuất khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị tập trung mạnh vào tìm kiếm cơ hội, thu hút FDI; đưa công nghệ mới vào sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục vận động ODA cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cho giảm nghèo, cho biến đổi khí hậu...


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các ngành tiếp tục phát huy mạnh mẽ kết quả hội nhập quốc tế để phục vụ cho hội nhập kinh tế; xây dựng lòng tin; tăng cường tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau với các đối tác; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia.


Trong hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngành ngoại giao tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa đến hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... đồng thời quan tâm làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, hòa nhập với nước sở tại, đoàn kết gắn bó, hướng về xây dựng quê hương.


Thiện Thuật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN