Tìm lại lòng tin cho du khách nước ngoài

Du lịch Hà Nội sẽ làm thế nào để du khách nước ngoài không còn "nơm nớp" nghi ngờ và ngại ngần khi đặt chân đến Thủ đô, đó thực sự là một câu hỏi cần lời giải đáp sớm, nếu muốn khách du lịch đến Thủ đô nhiều hơn trong thời gian tới đây...

 

Những con “sâu” không hiếm


Cuối tháng 4 vừa qua mang lại cho bức tranh du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, một nét không đẹp, khi mà liên tục lãnh đạo Tổng Cục du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, rồi lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh taxi, khách sạn..., phải lên tiếng xin lỗi du khách nước ngoài vì những chuyện “chặt chém”, lừa dối... mà họ phải trải qua khi đặt chân tới Thủ đô.


Cảnh chèo kéo khách du lịch nước ngoài vẫn diễn ra trên đường phố thủ đô. Ảnh: Xuân Cường

 

Ngày 23/4, ba mẹ con bà Ilona Schultz (Ôxtrâylia) phải trả cho cuốc xích lô dài 5 km từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) 1,3 triệu đồng. Quá bức xúc, họ đã lên tiếng và "đòi công lý" tới cùng. Đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn và Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng đã đến xin lỗi nhóm du khách này, đồng thời hoàn trả lại họ số tiền bị “chặt chém”.


Sự việc còn chưa kịp nguội, thì ngày 28/4, cặp vợ chồng mới cưới đến Hà Nội với mong muốn tận hưởng tuần trăng mật tại mảnh đất "thân thiện, mến khách" này là David Patrick và Brandi Dawn Burmey (cũng quốc tịch Ôxtrâylia) lại bị tài xế taxi "chém" 980.000 đồng cho cuốc taxi từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (phố Điện Biên Phủ, Hà Nội) đến bảo tàng Dân tộc học (phố Nguyễn Văn Huyên), trong khi đồng hồ tính cước hiển thị 98.000 đồng. Tất nhiên, lại tiếp tục những lời xin lỗi từ các cơ quan chức năng, và cặp vợ chồng trẻ này đã được nhận lại số tiền của mình.


Đi lại thì như vậy, đến nơi ăn chốn ở cũng đang trở thành nỗi "sợ hãi" với khách du lịch khi 3 du khách Pháp vừa đến sân bay Nội Bài đã bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, thậm chí đe dọa hành hung.


Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Nhiều nước phát triển du lịch trên thế giới đã có lực lượng cảnh sát du lịch. Nhiều năm qua, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp làm du lịch đã kiến nghị bổ sung lực lượng cảnh sát du lịch để đảm bảo an ninh và quyền lợi của du khách. Trong Luật Du lịch sửa đổi tới đây, chúng tôi cũng sẽ có 1 chương về khách du lịch, quyền của của khách du lịch và việc bảo vệ khách.

Trên thực tế, đây chỉ là 3 trong số hàng ngàn câu chuyện về những "bức xúc" của khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội. "Chuyện ứng xử với khách du lịch nước ngoài ở Hà Nội đôi khi khá tệ. Tôi còn nhớ lần đi ăn bún mọc ở Cầu Gỗ, quán lúc ấy khá vắng, nhưng khi có một cặp nam nữ người nước ngoài vào quán thì người chủ quán vẫn nhất định không phục vụ họ, cứ lấy tay xua đi. Cặp du khách đã ngồi xuống ghế, kiên nhẫn chờ, nhưng mãi không thấy được phục vụ, nên lại đứng lên đi, khuôn mặt ngơ ngác không biết vì sao. Tôi đã hỏi thẳng chủ quán, thì nhận được câu trả lời: 'Không phục vụ tây, bọn ấy ăn ít, lại còn hay mặc cả'. Thật là buồn quá. Họ tới du lịch ở Hà Nội, muốn thưởng thức ẩm thực - một nét văn hóa Hà Nội mà chúng ta vẫn quảng bá lâu nay, thế mà người bán hàng vì toan tính vụ lợi lại xua đuổi họ", chị Mai Hoa cho biết.


Tương tự như vậy, người viết đã tận mắt chứng kiến cảnh nhóm khách nước ngoài phải chấp nhận "giá cho khách nước ngoài" khi mua hàng tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Bảo Khánh (Hà Nội). Sự phân biệt mức giá này cũng là một dạng "chặt chém" với khách nước ngoài, và nhiều du khách đã bức xúc khi biết mình bị tính giá gần gấp đôi giá bán thực của sản phẩm.

 

Đã đến lúc mạnh tay


Người viết bài này đã từng chứng kiến chủ quán chả cá Thăng Long (phố Đường Thành, Hà Nội) mỗi khi có khách nước ngoài đến quán lại trực tiếp ra bàn hướng dẫn cách thưởng thức món ẩm thực rất đặc trưng của Hà Nội, và quan trọng, mức giá khách du lịch nước ngoài trả cho mỗi suất chả cá cũng bằng đúng với khách trong nước. Có thể nói, mỗi du khách đến với nhà hàng đều cảm thấy rất hài lòng.


Thế nhưng, liệu những nét văn hóa Hà Nội ấy, sự tận tình của những người dân Hà Nội ấy, có đủ để làm "mờ" đi những "nỗi niềm" mà du khách có thể gặp phải trên bất cứ con đường, với bất cứ "công đoạn" nào của du lịch?


"Rất khó, bởi hầu hết du khách nước ngoài rất dị ứng với việc bị "đối xử bất công". Bên cạnh đó, với con số chỉ có 3 du khách được xin lỗi, đền bù tới thời điểm này, thì rõ ràng vấn đề xử lý của chúng ta là quá yếu", anh Đạt, một người hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho biết, "nếu việc một du khách bị trấn lột, “chặt chém” hay mất an toàn ở Việt Nam, thì cũng có nghĩa là hàng ngàn du khách sẽ "tẩy chay" Việt Nam khi đọc thông tin trên mạng. Vậy nên, với những hành động này, chúng ta đang đuổi khách du lịch nước ngoài ra khỏi Việt Nam".


Những hành động của các cơ quan chức năng trong việc xử lý những vụ việc nêu trên là rất đáng khen ngợi, bởi ít nhất, nó khiến du khách thấy mình sẽ có thể được bảo vệ khi gặp "bất công". Và tin rằng, sau những vụ việc này, du khách cũng sẽ có thêm niềm tin để lên tiếng, thay vì im lặng và ngậm đắng nuốt cay như lâu nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu để cái xấu tràn lan, để du khách "gặp chuyện" rồi mới tính đến việc xử lý, kể cả là xin lỗi, đền bù... thì liệu đã phải là cách làm chuyên nghiệp của du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung? Và liệu một lời xin lỗi, một hành động đưa khách ra tới tận sân bay, tặng quà du khách... có đủ để khiến du khách sẽ quên được ấn tượng về một Hà Nội hình như không hoàn toàn thân thiện, mến khách.


Có lẽ, việc cần làm sớm là xây dựng văn hóa trong du lịch nói riêng và trong cuộc sống nói chung, trong cách ứng xử của mỗi cá nhân, từ đó tạo nên một nét văn hóa Hà Nội trong việc đón khách, như một khẩu hiệu đã khá lâu nhưng vẫn luôn đúng của ngành dịch vụ: "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".

 

Ông Mai Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội: Thời gian tới Sở sẽ đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra tình trạng “chặt chém”, trước mắt tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm, đồng thời yêu cầu các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và các ngành khác như công an, công thương triển khai quyết liệt hơn những quy định để từng bước tạo lập môi trường du lịch lành mạnh hơn. Bên cạnh đó sẽ thiết lập đường dây nóng để du khách có thể gọi đến khi bị hại.

 

Ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn Việt: Nên thành lập lực lượng cảnh sát du lịch Để xử lý tình trạng chặt chém khách du lịch nước ngoài, theo tôi chỉ có một giải pháp: Xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp là cảnh sát du lịch. Lực lượng này sẽ thường trực tại các địa điểm nhạy cảm, đồng thời có tổng đài điện thoại riêng để du khách gọi đến. Số điện thoại này sẽ được đưa lên các phương tiện truyền thông: Sách du lịch, website du lịch, forum du lịch, sân bay, bến cảng... ngoài ra còn gửi đến các công ty du lịch biết, thông báo cho du khách trước khi họ đặt chân tới Việt Nam.Trong trường hợp khách thấy có vấn đề, khách có thể gọi ngay số điện thoại đó để được giải quyết.

 

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Vietravel: Người dân chưa nhận thức được vai trò của mình Chúng ta đang muốn thu hút du khách quốc tế đến bằng cả cơ chế, chính sách (miễn phí Visa), bằng những chiến dịch xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước thông qua các Hội chợ Du lịch quốc tế..., nhưng xây dựng ý thức du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia trong hiểu biết của người dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Mỗi người dân chưa nhận thức được vai trò của mình trong sự phát triển, không nhận thức đầy đủ các yếu tố tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển, khai thác các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc…, vì vậy chưa phát huy tính tự hào dân tộc.

 

Đại diện khách sạn Paloma (Hà Nội): Thiếu những đợt tập huấn bắt buộc cho những đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Tình trạng lừa đảo, “chặt chém” du khách diễn ra trong một bộ phận các khách sạn mini làm ăn chụp giật, đã tạo ra tiếng xấu không chỉ ở trong mà cả ở ngoài nước. Việc buông lỏng quản lý với những thành phần tham gia cung cấp dịch vụ du lịch đã dẫn tới tình trạng này. Rồi không có những đợt tập huấn bắt buộc cho những đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ để họ hiểu được những vấn đề cốt lỗi của những công việc họ đang làm... cũng là nguyên nhân.


 

Phòng VHTT thực hiện

Hà Nội kích cầu du lịch

Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch 2013 của Bộ VH,TT&DL, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai các hoạt động cụ thể tới các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội, theo hướng liên kết hợp tác giữa các khối dịch vụ để tạo ra chương trình kích cầu thiết thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN