Tìm cách kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới

Theo TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong thời gian qua, thị trường vàng trong nước diễn biến phức tạp, đi ngược lại mong muốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát thị trường vàng. Trước tình hình trên, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi gặp mặt các chuyên gia kinh tế tài chính để tìm hướng kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Giá vàng “chênh” vì NHNN lỗ?!


Tính đến ngày 7/5, NHNN đã tổ chức 14 phiên đấu giá vàng với hơn 14 tấn vàng. Thế nhưng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới vẫn còn cao.


Giá vàng trong nước vẫn cách xa giá vàng thế giới.

 

Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Đỗ Chí, nguyên Phó Giám đốc Công ty Capital, cho rằng, tình trạng trên không phải mới chỉ diễn ra mới đây mà đã có hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá vàng trong nước chỉ chênh khoảng vài trăm ngàn một lượng với giá thế giới. Nhưng khi NHNN yêu cầu các Ngân hàng thương mại (NHTM) không được huy động vàng và phải tất toán vàng trước ngày 30/6 khiến giá vàng lên cao đột biến, cách xa giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến 7 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chính là do NHNN đã tiên đoán sai giá vàng khi quyết định mua 60 tấn vàng vào kho dự trữ quốc gia.


TS Phạm Đỗ Chí phân tích, trong 2 năm qua, giá vàng thế giới lên xuống thất thường. Trong đó, giai đoạn 4/2011 - 4/2012, giá vàng giảm mạnh. NHNN dự báo giá vàng sẽ giảm nữa. Nhiều NHTM đã tranh thủ bán vàng với mức giá 1.600 USD/ounce. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, giá vàng thế giới lại tăng lên 1.750 USD/ounce. Đây cũng là thời điểm phải tất toán vàng theo Nghị định 24, vì thế các NH đã phải mua lại vàng. Điều này đã khiến các NH bị lỗ nặng.


Theo dự đoán của TS Phạm Đỗ Chí, giá vàng mà NHNN mua vào thời điểm đó có thể ở mức từ 1.600 - 1.800 USD/ounce. Vì thế, việc đấu thầu vàng đã khiến NHNN bị lỗ chứ không như lời như đồn đoán của nhiều người. Theo đó, NHNN buộc phải đấu giá với mức giá sàn bằng và cao hơn giá thị trường là đương nhiên.

 

Đề xuất thành lập sàn vàng


Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc kinh doanh vàng Việt Nam, đồng tình với quan điểm: “Việc giá vàng trong nước và thế giới quá chênh lệch là điều không thể chấp nhận được”. Do đó, cần có biện pháp giảm độ chênh lệch này.


Cũng theo ông Trần Thanh Hải, việc ban hành Nghị định 24 khiến lượng cung vàng đang bị hạn chế, dẫn đến tâm lí găm vàng. Điều này đã khiến thị trường vàng trở nên bất ổn. Có thể thấy trước đây, người dân thường có khuynh hướng khi giá thấp thì bán ra và giá cao thì mua vào, nhưng nay thì ngược lại. Cụ thể, ngày 12/4 vừa qua, khi giá vàng thế giới xuống thấp, người dân vẫn không bán mà lại tiếp tục mua. Điều đáng lo ngại, việc mua bán vàng liên tục như vậy dẫn đến ngoại tệ của NHNN bị mất đi, vàng trong dân lại tăng lên, tạo nên hiện tượng vàng hóa ngày càng trầm trọng. Theo đó, chủ trương chống vàng hóa của NHNN khó thực hiện.


Trước tình hình trên, ông Hải đề xuất chỉ có thành lập sàn vàng quốc gia mới kéo được giá vàng trong nước gần giá thế giới. Còn ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, NHNN cần xem xét phương pháp đấu giá hiện nay vì đây chỉ là biện pháp tạm thời, giúp các NHTM đủ vàng để tất toán. Sau 30/6, nếu các NHTM đã tất toán xong, giá vàng vẫn không giảm thì thị trường vàng sẽ ra sao? NHNN không thể tiếp tục đem vàng dự trữ ra để bán đấu thầu tiếp.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh – PGĐ NHNN chi nhánh TP.HCM, thừa nhận, việc liên tiếp đấu thầu vàng của NHNN là nhằm giúp các NHTM có đủ vàng để tất toán đúng thời hạn (ngày 30/6). Theo đó, trong phần lớn các phiên đấu thầu vàng vừa qua, chủ yếu là các NHTM còn nợ vàng mua vào, rất ít các DN kinh doanh vàng tham gia. Chính vì vậy, khó có thể nói lượng vàng mua từ các phiên đấu thầu cung ra thị trường là bao nhiêu. NHNN sẽ tiến hành thanh tra các đơn vị mua vàng để xem số vàng này có được sử dụng đúng mục đích hay không.


 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Hải Yên

Phải quản lý vàng miếng như ngoại tệ
Phải quản lý vàng miếng như ngoại tệ

Ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức khẳng định vàng miếng được lưu thông trong nước cần phải được quản lý như ngoại tệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN