Thuốc lá - Bài toán hóc búa ở Trung Quốc

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân đó là một lượng lớn khói do hút thuốc lá thải ra môi trường. Tuy nhiên, giải quyết vấn nạn này lại là một bài toán hóc búa đối với Bắc Kinh.

 

Trung Quốc đang đấu tranh giữa những lợi ích của ngành công nghiệp và nỗ lực làm sạch môi trường, bằng chứng là các từ như "môi trường", "sinh thái" và "phát triển xanh" liên tục lặp đi lặp lại trong những báo cáo gần đây của chính phủ. Khi nói đến việc làm sạch không khí, có một vấn đề có thể còn khó khăn hơn so với buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm đóng cửa - đó là giảm tỷ lệ người “nghiện” thuốc lá ở Trung Quốc.

 

Người dân đeo khẩu trang tránh không khí ô nhiễm tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 5/12/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo các số liệu chính thức, Trung Quốc hiện có khoảng 350 triệu người hút thuốc lá, chiếm hơn 1/4 dân số nước này và khoảng 1/3 số người hút thuốc lá trên toàn cầu. Trung Quốc sản xuất 1.700 tỷ điếu thuốc/năm, trở thành nước sản xuất và tiêu thụ thuốc lá hàng đầu thế giới. Kết quả là 1 triệu người đã chết vì những căn bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm ở nước này và con số trên được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Ung thư phổi đã trở thành bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Trung Quốc. Trong 30 năm qua, số người mắc ung thư phổi đã tăng 465%.


Tiến sĩ Sun Yan, chuyên gia ung thư tại Bệnh viện Xiehe ở thủ đô Bắc Kinh, nhận định số người chết vì ung thư phổi ở Trung Quốc có thể giảm trong 10 năm tới, nhờ việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Sun Yan cũng nhấn mạnh để thực hiện được điều này, Bắc Kinh cần phải giải quyết các vấn đề ô nhiễm và hút thuốc lá.


Ngành công nghiệp thuốc lá vốn mang lại lợi nhuận lớn cho Trung Quốc. Theo một báo cáo được công bố hồi năm 2012, ngành công nghiệp thuốc lá của Trung Quốc đã mang về lợi nhuận hơn 750 tỷ nhân dân tệ (119,5 tỷ USD) và nộp vào ngân sách nhà nước hơn 600 tỷ nhân dân tệ (95,2 tỷ USD). Báo cáo ước tính ngành công nghiệp này đứng ngang hàng với hai lĩnh vực có lợi nhuận cao khác của Trung Quốc là bất động sản và dầu khí.


Thêm vào đó, ngành công nghiệp thuốc lá tại Trung Quốc còn tạo ra nhiều việc làm. Theo trang web chính thức của STMA (Tổng công ty thuốc lá nhà nước Trung Quốc), ngành công nghiệp thuốc lá đã trực tiếp sử dụng hơn nửa triệu lao động trong khi gần 60 triệu người kiếm sống từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh liên quan.


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện những giải pháp quan trọng trong phòng chống hút thuốc lá. Để hạn chế việc hút thuốc, WHO khuyến cáo nước này nên tăng mức thuế suất thuốc lá lên 70% từ 40% như hiện nay. Hiện, giá một bao thuốc ở Trung Quốc vào khoảng 5 NDT (0,75 USD), khá rẻ so với các quốc gia khác.


WHO nhận định, chỉ có 25% người Trung Quốc "có sự hiểu biết toàn diện về các mối nguy hiểm đối với sức khỏe từ việc hút thuốc lá". WHO cũng lưu ý rằng những lời cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá của Trung Quốc không hiệu quả.


Trong giai đoạn 2006 - 2010, ngành công nghiệp thuốc lá của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn so với bất kỳ ngành công nghiệp nào trong lịch sử nước này. Điều này dẫn đến hai mặt của vấn đề: làm thế nào để Trung Quốc vừa thu được lợi nhuận lớn nhưng cũng hạn chế được tình trạng “nghiện” thuốc lá ở Trung Quốc. Mâu thuẫn giữa lợi nhuận từ ngành công nghiệp thuốc lá và sức khỏe con người vẫn là bài toán hóc búa đối với Bắc Kinh.


C.T (theo Diplomat)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN