Thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết về Tam nông

Nhân tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội có bài viết: "Đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết của Trung ương “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.


Báo Tin tức Cuối tuần xin trân trọng lược trích nội dung bài viết này.


Bước tiến mới về nhận thức và hành động


Sau khi điểm lại những mốc chính trong nhận thức và hành động của Đảng và Nhà nước ta về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: 5 năm qua, sự ra đời của Nghị quyết đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự ổn định của đất nước ta trong điều kiện khó khăn do khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Nhờ được vay ưu đãi từ nguồn vốn cho vay "Tam nông", nhiều cơ sở sản xuất nông thôn đã có đà phát triển. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Với sự đồng tâm nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, sự quyết liệt chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được những bước tiến lớn, những kết quả quan trọng... Nông nghiệp tăng trưởng đáng kể cả về năng suất, sản lượng và giá trị, nông sản và sản phẩm chế biến xuất khẩu tăng từ 12 lên 16 mặt hàng, có thị trường tiêu thụ tại 160 nước và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 115 tỷ USD (năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD), tăng bình quân 15,2%/năm…


Việc thực hiện toàn diện các nội dung trong nghị quyết còn đem lại những bước tiến trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.


Điều hết sức quan trọng là Nghị quyết “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” gắn bó mật thiết với “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Việc thực hiện hai nghị quyết này tạo nên sức mạnh cộng hưởng, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển vững chắc giữa các ngành thủy sản, công nghiệp, hàng hải và dịch vụ…


Những mặt còn tồn tại


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích các mặt hạn chế trong triển khai Nghị quyết Trung ương về Tam nông. Đó là việc triển khai chưa đồng bộ, vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy đầy đủ, chậm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện. Một bộ phận cán bộ các cấp và nhân dân chưa đạt được mức nhận thức đầy đủ về những nội dung thiết yếu của nghị quyết quan trọng này. Việc tổ chức thực hiện một số cơ chế chính sách đã ban hành chưa thật sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ, thiếu sự kiểm tra, giám sát và đôn đốc. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước vẫn rất thấp so với yêu cầu thực tế.


Các chính sách về “đầu ra” và bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là chưa mang lại quyền lợi tương xứng cho nông dân. Chính sách tín dụng ưu đãi tuy đã có nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận; chính sách về đất đai còn bất cập, một bộ phận nông dân mất đất sản xuất. Cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ đối với ngư dân, diêm dân và đồng bào ở vùng ven biển, hải đảo còn yếu và chưa sát thực tiễn... Đời sống của nông dân nhìn chung còn nhiều khó khăn. Nông dân băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; về sự lên xuống thất thường của giá nông sản; về dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi; về ô nhiễm môi trường; về biến đổi khí hậu...
Mặt khác, nông thôn phát triển còn thiếu quy hoạch, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chưa đáp ứng yê

u cầu mở rộng quy mô và hội tụ sức mạnh để sản xuất hàng hóa có hiệu quả; mô hình quan hệ sản xuất chưa đủ rõ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, đời sống văn hóa phát triển không đều, môi trường nông thôn bị ô nhiễm, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nông thôn mới chưa đủ mạnh. ... Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chậm, thiếu nguồn lực và thiếu cả sự chủ động, sáng tạo...


Nỗ lực và sáng tạo hơn nữa


Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết Trung ương về Tam nông cần quán triệt sâu sắc hơn nữa ba nội dung sau đây:


Một là, đoàn kết, nỗ lực và sáng tạo thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược của nước ta trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.


Hai là, ưu tiên đầu tư nhiều hơn, toàn diện hơn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Ba là, trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, con người phải là nhân tố quyết định. Cần đặt lên hàng đầu việc nâng cao vị thế giai cấp nông dân nước ta, bảo đảm cho nông dân đủ năng lực và bản lĩnh của lực lượng chủ công trên mặt trận nông nghiệp và tham gia quyết định một cách bình đẳng trong lưu thông, phân phối thành quả sản xuất nông nghiệp nói riêng và phân phối thu nhập quốc dân nói chung. Đồng thời, cần gắn chặt hơn nữa với việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về Xây dựng và Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trên cả hai khía cạnh: Phát triển đội ngũ doanh nhân - nông gia giỏi ở khu vực nông thôn và động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân ở đô thị hướng về nông thôn, khuyến khích sử dụng, chuyển giao công nghệ cao của thế giới vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân.


Phân tích về các giải pháp cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý về nguyên tắc: Những gì đúng, có lợi cho dân, hợp lòng dân thì phát huy, những mô hình, giải pháp thành công thì nhân rộng trong từng địa phương và cả nước tùy theo sự phù hợp điều kiện thực tế ở từng địa phương, từng địa bàn. Những vấn đề gì trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu hoặc đáng lẽ có thể đạt tốt hơn thì cần rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục yếu kém, nâng cao chất lượng công tác. Những gì mà nội dung nghị quyết và cơ chế còn thiếu hoặc chưa phù hợp thì điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN