Thông tin “Hàng trăm người dân Hà Nam phản đối cưỡng chế” không đúng bản chất vụ việc

Gần đây, một số báo điện tử đưa tin “Hàng trăm người dân Hà Nam phản đối cưỡng chế” phản ánh việc một số người dân ở TP Phủ Lý (Hà Nam) phản đối chính quyền cưỡng chế, bàn giao mặt bằng Khu công nghiệp (KCN) Châu Sơn cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định: “Thông tin trên là không đúng với bản chất vụ việc”.


Theo ông Phạm Sỹ Lợi, KCN Châu Sơn (Hà Nam) là 1 trong 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch cho phép đầu tư từ năm 2003 với tổng diện tích đất 169 ha, thuộc phường Châu Sơn (trước tháng 10/2013 là xã Châu Sơn), TP Phủ Lý.


Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2003, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam đã giải quyết các thủ tục thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng. Đến năm 2009, tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và giao đất cho Ban quản lý các KCN tỉnh, để giao cho các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng và các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Hiện KCN đã hoàn thành việc xây dựng một số công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống cấp điện, nước, trạm xử lý nước thải, san nền đạt 50%. KCN đã thu hút được 18 doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 3.000 lao động, trong đó chủ yếu là người dân của phường Châu Sơn.


Trong quá trình giải phóng mặt bằng KCN từ năm 2003 đến năm 2009, chủ đầu tư đã đền bù, hỗ trợ đầy đủ cho người dân có đất thu hồi theo các quy định của pháp luật tại từng thời điểm. Người dân có đất thu hồi đã nhận đầy đủ tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định và bàn giao đất cho chủ đầu tư.
Từ năm 2011, khi chủ đầu tư thi công xây dựng hạ tầng trên diện tích đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng thì một số công dân trước đây có đất nông nghiệp bị thu hồi đã có đơn kiến nghị đòi đền bù thêm ngoài quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đền bù; đồng thời tập trung đông người cản trở việc thi công xây dựng trong KCN.


Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền thành phố Phủ Lý, phường Châu Sơn vận động, đối thoại, xem xét gải quyết kiến nghị của người dân.


Ông Phạm Sỹ Lợi cho biết thêm: Ngày 6/3/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận về chủ trương hỗ trợ khó khăn cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi tại phường Lê Hồng Phong, Châu Sơn (hỗ trợ thêm, ngoài quy định trước đây). Cụ thể, đất nông nghiệp bị thu hồi trước 1/1/1997 đến 26/2/2006 được hỗ trợ bằng thóc, quy ra tiền, mỗi năm hỗ trợ 120 kg thóc tẻ/sào cho 3 năm liên tiếp, bắt đầu từ năm 2013. Đất nông nghiệp thu hồi từ 27/2/2006 đến 2/11/2009 được hỗ trợ 18 m2 đất ở/sào.


Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Phủ Lý xác định kinh phí hỗ trợ, diện tích đất ở hỗ trợ cho từng hộ và đã thực hiện chi trả hỗ trợ tiền thóc (gần 90% số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ thóc), đồng thời quy hoạch, thông báo về việc giao đất ở.


Tuy nhiên, một số người dân thuộc thôn Hưng Đạo, Thượng Hòa, phường Châu Sơn do bị lôi kéo, kích động đã cố tình không hợp tác với chính quyền, không chấp nhận mức hỗ trợ trên mà đòi được đền bù thêm và tiếp tục ngăn cản việc thi công của chủ đầu tư, gây mất an ninh trật tự tại KCN.


Để đảm bảo tiến độ thi công hạ tầng, giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp, UBND tỉnh đã giao cho TP Phủ Lý và các ngành chức năng hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự để chủ đầu tư tiếp tục thi công hạ tầng từ ngày 7/1/2014. Tuy nhiên, khi đó, có gần 100 người dân tại hai thôn trên đã vào KCN trái phép và cản trở việc thi công. Những người này đã bị bảo vệ KCN, chủ đầu tư và chính quyền địa phương vận động, yêu cầu ra khỏi hàng rào KCN.


Đến sáng 9/1, số công dân trên bị một số đối tượng cầm đầu khiếu kiện, liên kết với một số đối tượng xấu ở địa phương khác lôi kéo, kích động, ép buộc (khoảng 150 người, chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em) tập trung đi bộ với mục đích lên trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội để khiếu kiện, đưa ra các yêu cầu trái với chính sách quy định của Nhà nước. Trên đường đi, sau khi được giải thích, số người dân này đã trở về địa phương.


Đến nay, tình hình đã cơ bản ổn định, song chưa dứt điểm do các đối tượng cầm đầu khiếu kiện, các phần tử xấu vẫn tìm mọi cách kích động, lôi kéo người dân tiếp tục khiếu kiện.


Ông Phạm Sỹ Lợi cho biết, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Phủ Lý chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật củng cố hồ sơ, kiên quyết xử lý theo pháp luật các đối tượng kích động, lôi kéo, gây rối trật tự công cộng.

 

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN