Tấp nập “Chợ phiên đồ xưa”

Vài chiếc bát, đĩa sành, cây đèn Thăng Long, đồng hồ họa mi hay chiếc đồng hồ đeo tay poljot…, chừng ấy thôi cũng đủ tạo nên sức hấp dẫn những người đến tham gia “Chợ phiên đồ xưa”, đặc biệt là đối với những người có sở thích, đam mê, sưu tầm đồ cổ.

 

 

“Chợ phiên đồ cổ” thu hút nhiều người có sở thích đam mê, sưu tầm đồ cổ tham gia.

Chơi đồ xưa, đồ cổ là một thú chơi, một nét văn hóa đặc biệt đã tồn tại từ lâu ở Hà Nội, cũng như các thành phố khác. Ngoài sự tinh tế, bắt mắt, nhạy cảm và lòng đam mê, thú chơi đòi hỏi người chơi còn phải có đủ thời gian và tiền bạc để duy trì nó. Với mục đích được giao lưu với nhau, một nhóm những người đam mê đồ cổ xưa đã nung nấu ý định tạo ra một sân chơi dành cho chính mình. Và “Chợ phiên đồ xưa”, tổ chức lần đầu tiên tại địa chỉ 456 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) vào ngày 8/6 vừa qua thu hút sự tham gia của rất nhiều người, gồm đủ mọi thành phần, lứa tuổi và hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau..., nhưng họ đều có chung đam mê, sở thích sưu tầm đồ cổ xưa.


Không gian bày trí của “chợ” rất giản dị với những gian hàng đơn sơ, không cầu kỳ. Trên diện khoảng 500 m2, có gần 30 gian hàng, mỗi gian hàng được tạo nên bởi vài chiếc bàn nhỏ ghép lại nhưng có đủ cơ man các món đồ, từ chiếc Bi đông đựng nước thời chiến tranh, chiếc đèn Thăng Long sản xuất ở Việt Nam những năm 80, cây đèn bầu pha lê của Pháp, sản xuất từ những năm 50, hay chiếc đồng hồ họa mi từ thời bao cấp và là kỉ niệm với nhiều người từng ở trong thời kỳ đó. Đồ được bày trên bàn, trên tấm thảm đặt dưới nền... Điều đặc biệt, các món đồ được đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm lâu năm, người bán không quan trọng chuyện bán được hay không, mà là được mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân biệt thật-giả, cũ-mới...


Anh Kiều Quốc Khánh - Chủ nhiệm CLB thư pháp Hà Nội, người đứng ra tổ chức “Phiên chợ đồ xưa” cho biết: “Dù đã biết nhau từ lâu, nhưng những người có chung sở thích, đam mê đồ xưa cũ như chúng tôi chỉ được giao lưu với nhau qua online, Internet. Được sự ủng hộ nhiệt tình, chúng tôi đã tập hợp anh em, chủ yếu để mọi người có địa điểm giao lưu, trao đổi, chia sẻ với nhau bằng kinh nghiệm. Thực ra, trước đây đã từng có phiên chợ đồ xưa nhưng do nhiều yếu tố nên không thể duy trì. Để có được một địa điểm giao lưu không phải là điều dễ, cần phải có không gian, địa điểm, công sức và tiền bạc, nhưng để nâng cao tinh thần giao lưu giữa mọi người, chúng tôi quyết tâm xây dựng bằng được sân chơi này. Mỗi một phiên chợ, chúng tôi đều có buổi đấu giá nhiều món đồ trên tinh thần đóng góp của các anh em để làm từ thiện, nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

“Tôi đã sưu tầm đồ xưa hơn chục năm rồi, anh em trong giới sưu tầm như chúng tôi đã ấp ủ có một địa điểm giao lưu như thế này từ lâu, hôm nay chợ mở phiên đầu nhưng tôi thấy rất thành công. Hy vọng theo thời gian sẽ có nhiều anh em trong giới sưu tầm tham gia phiên chợ để có thêm nhiều món đồ phong phú, sâu tuổi cho chúng tôi có thể giao lưu, chia sẻ với nhau nhiều hơn”, anh Quang Huy, một người tham gia phiên chợ đồ xưa, chia sẻ.


Còn anh Hoàng Giang, Mai Dịch - Cầu Giấy, cho biết: “Tôi mới sưu tầm đồng hồ cổ đuợc 2-3 năm nay. Khi biết thông tin sắp có phiên chợ này tôi rất háo hức. Đến đây, tôi được mở mang, học hỏi kinh nghiệm của các anh em có chung sở thích với mình. Chơi đồ cổ không phải chỉ có niềm đam mê mà cần phải có sự trao đổi, trao dồi khá nhiều kiến thức về mặt lý thuyết lịch sử, văn hóa, địa lý… nữa”.


Phiên chợ được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng, hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm quen thuộc để những người yêu thích đồ cổ đến giao lưu, mua bán, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Hy vọng, phiên chợ này sẽ được mở rộng và duy trì thường xuyên, nhằm gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

 

Bài và ảnh: Quỳnh Như

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN