Sức sống mới ở vùng “lá chắn thép” năm xưa

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở lại thăm địa danh Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nơi được mệnh danh là vùng “lá chắn thép” năm xưa. Đi giữa con đường nhựa rộng thênh thang, ngắm những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, những khu đồi bạt ngàn màu xanh cây trái đều cảm nhận rõ những đổi thay rõ rệt. Sức sống mới đang ngập tràn trên vùng đất anh hùng còn nhiều gian khó bởi sự tàn phá của chiến tranh.


Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Bảo Ý, huyện Bắc Bình kiểm tra định kỳ tốc độ tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

 

Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc kể về những chiến công anh dũng của quân và dân Thuận Bắc ngày đó: "…Sau khi thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ. Chúng đã rút quân lui về co cụm, xây dựng tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, lấy khu vực Du Long (thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc ngày nay) làm nơi chốt chặn chủ yếu. Nhưng quân và dân ta đã kiên cường đấu tranh phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch, tạo đà để giải phóng Ninh Thuận, tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam”.


Sau ngày giải phóng, nhân dân Thuận Bắc đã nỗ lực xây dựng quê hương. Giờ đây, vùng đất anh hùng đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Trước đây, nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, độc canh, trồng lúa nước một vụ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nay, nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, đập Kiền Kiền, trạm bơm Ba Tháp và hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 nên đã chủ động nước tưới cho hơn 10.000 ha đất canh tác. Địa phương đã đẩy mạnh khai hoang phục hóa, thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh cây lúa, cây bắp, địa phương còn tận dụng diện tích đất dốc dưới chân núi để phát triển các loại cây như chuối, dứa, mít, điều, mía… góp phần đa dạng hóa cây trồng, cải thiện đời sống nhân dân. Chăn nuôi cũng là thế mạnh nông nghiệp của địa phương, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Hiện, toàn huyện có hơn 18.000 con trâu, bò; 13.000 con dê, cừu; 10.000 con lợn và gần 160.000 con gia cầm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng triển khai thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế mới như trồng lúa giống cao sản, trồng lúa ứng dụng công nghệ “1 phải 5 giảm”, nuôi bò vỗ béo, nuôi cừu sinh sản, nuôi lợn đen sinh sản hay mô hình nuôi gà an toàn sinh học, nuôi cá bống tượng… Người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cải thiện đời sống, từng bước đẩy lùi đói nghèo.


Cùng với phát triển nông nghiệp, Thuận Bắc cũng chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp. Là huyện miền núi, Thuận Bắc có nguồn khoáng sản dồi dào về đất, đá phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Huyện đã tìm nhiều giải pháp thu hút đầu tư để xây dựng Thuận Bắc thành một trong những khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư với các Nhà máy sản xuất xi măng Luck, đá Granite Thuận Thành, gạch tuy-nen Du Long, nhà máy chế biến phân bón hữu cơ… Sắp tới sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thạch rau câu Sơn Hải. Dù quy mô còn nhỏ nhưng ngành công nghiệp đang chiếm tỷ trọng khá cao (43,8%) trong cơ cấu kinh tế của địa phương.


Hoạt động du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan với các điểm du lịch như Suối Tiên, suối Ba Hồ, suối Kiền Kiền, tháp Hòa Lai… Bãi biển Bình Tiên nằm dưới chân Núi Chúa dài 3,8 km, là bãi biển rất đẹp đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch cao cấp, trong tương lai sẽ là điểm thu hút một lượng khách tham quan khá lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.


Cán bộ kỹ thuật Ban quản lý Dự án nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn người dân ở huyện Bác Ái chăm sóc lúa chịu hạn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

 

Huyện Thuận Bắc có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc, trong đó dân tộc Raglai chiếm hơn 62% và dân tộc Chăm chiếm 7,23%. Vì thế, cùng với đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào như hỗ trợ bà con vay vốn làm ăn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc không có nhà hoặc nhà ở tạm bợ; thực hiện khôi phục làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cho bà con… Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.


Sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thuận Bắc trong những năm qua đã khiến bộ mặt vùng “lá chắn thép” năm xưa có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn đã có nhà ở kiên cố, mạng lưới điện được phủ khắp địa bàn, 95% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, đường bê tông đến tận từng xã. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 17,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,6 triệu đồng/năm. Mạng lưới y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong thời chiến, Thuận Bắc đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới hôm nay.


Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN