Sự trở lại đẫm máu của al-Qaeda

Đánh giá tình hình Irắc gần đây, báo "Le Figaro" (Pháp) cho rằng các vụ tấn công đẫm máu đồng loạt nhằm vào hai nhà tù quan trọng nhất tại Iraq - nhà tù Taji ở phía bắc ngoại ô và nhà tù Abou Ghraib ở vành đai phía tây Baghdad - đã chứng minh một điều rằng sau một thời gian dài rút lui, al-Qaeda tại Iraq (AQI) đã quay trở lại với khả năng hành động rất đáng lo ngại.


 

Lực lượng al-Qaeda tại Iraq đã tuyển mộ thêm hàng nghìn thành viên thiện chiến. Ảnh: Internet

Nhật báo này khẳng định cho dù chưa khôi phục được lực lượng bằng quân số của năm 2006 (khoảng 12.000 phần tử theo đánh giá của Mỹ), nhưng những thành công gần đây đã cho phép mạng lưới này tuyển mộ thêm hàng nghìn thành viên thiện chiến.


“Các phần tử khủng bố đang tìm cách tạo ra những chuỗi ngày kinh hoàng trên toàn lãnh thổ Iraq, với việc sát hại hàng trăm người mỗi lần bằng việc kích nổ đồng loạt các trái bom tự tạo”, một nhà ngoại giao tại Baghdad nhận xét sau khi chính phủ Iraq công bố số người thiệt mạng riêng trong tháng 7/2013 đã lên tới gần 1.000 người - thiệt hại nặng nề nhất kể từ tháng 4/2008.


Sau một cuộc tấn công quân sự thực sự nhằm vào hai nhà tù nêu trên, đã có từ 500-1.000 tù nhân chạy thoát, nguy hiểm là trong số đó có nhiều lãnh đạo cốt cán của al-Qaeda bị giam giữ từ nhiều năm trước. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Baghdad nhận định các vụ tấn công này đã chứng thực “một quá trình chuẩn bị rất kỹ càng, kể cả trong vấn đề hậu cần”, mà mục tiêu tấn công rất tập trung, gồm lực lượng an ninh, các thành viên của chính phủ do người Shi'ite nắm quyền thống trị và “những kẻ phản bội Sunni.”
Theo nhận định của nhiều chuyên gia nghiên cứu Trung Đông, kể từ năm 2008,

 nhất là sau khi mất đi hai thủ lĩnh khét tiếng vào năm 2010, AQI có vẻ như đã hụt hơi ít nhiều. Al-Qaeda ngày càng ít ứng cử viên đánh bom liều chết và cũng còn rất ít chiến binh người nước ngoài tham gia. Trong những tháng gần đây, nhiều tay súng AQI cũng rời Iraq sang Syria chiến đấu. Một số sau đó trở về Iraq mang theo vũ khí lấy được từ phe nổi dậy Syria.


Có một điều chắc chắn là xung đột giữa chính phủ và phe đối lập Syria đã và đang kích động mạnh mẽ sự nổi dậy của al-Qaeda, mạng lưới đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng sẽ hợp nhất các nhánh ở Iraq và Syria vào “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”. Vào giữa tháng 7 vừa qua, có khoảng 300 phần tử thánh chiến nước ngoài nằm vùng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã lợi dụng sự lơi lỏng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập lữ đoàn al-Qaeda ở phía bắc Iraq sau khi quá cảnh qua Syria.


Cho dù xuất thân như thế nào, tại Iraq hay Syria, thì các phần tử khủng bố cũng có chung một ý đồ là tấn công “các chế độ tà giáo” thân Shi'ite ở Baghdad hay Damascus - hai mặt trận của cuộc xung đột giáo phái Sunni-Shi'ite đang gây rạn nứt thực sự cho thế giới Arập. Kết quả là tại khu vực biên giới phía bắc Iraq đã diễn ra tình trạng al-Qaeda huy động lực lượng rất mạnh, giống như thời kỳ 2003-2006, khi các nhóm thánh chiến trên toàn thế giới huy động lực lượng chống lại “ách chiếm đóng của Mỹ” tại các thánh địa cổ Iraq.


Chính quyền Iraq khẳng định đã có bằng chứng cho thấy sự hậu thuẫn al-Qaeda từ một số nước vùng Vịnh, đặc biệt là Qatar. Rõ ràng, chính sách chống dòng Sunni của Thủ tướng Iraq Nouri AL-Maliki đã tiếp thêm dầu vào lửa hận thù của các kẻ thù cực đoan nhất tại Iraq và khu vực. Chính các nhóm này vừa tuyên bố trên mạng Internet rằng chúng đang mở một chiến dịch bạo lực mới mang tên “Vụ gặt của các đội quân”.


Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN