Nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây của người Khmer - Bài cuối: Giữ lấy di sản vô giá

Hình ảnh nghệ nhân đàn hát Chầm riêng chà pây đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ đồng bào Khmer Nam bộ. Tiếng hát ân tình, dạy người cái đạo ở đời, cách đối nhân xử thế đã trở thành phương châm sống, góp phần tạo nên cốt cách đẹp của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, loại hình âm nhạc độc đáo, quý giá ấy đang có nguy cơ mai một, rất cần được bảo tồn...

 

Lễ cúng tổ Chầm riêng chà pây của nghệ nhân Thạch Mâu.

 

Điệu thức Chầm riêng chà pây gồm: Phát chây, Phát chây cớt, Som phôn, Som phôn cớt, Ang kô reach chơn prây srây, Ang kô reach chơn prây rốs. Để có một buổi biểu diễn thành công, thì người chơi phải kết hợp rất nhiều yếu tố, tay đàn phải điêu luyện, ca từ phải vần, người hát phải ứng tác thật bài bản hợp với chủ đề, hợp với điệu nhạc... Vì vậy, nghệ nhân Chầm riêng chà pây ngoài việc có giọng tốt, biết đàn hay, còn cần phải có một vốn kiến thức sâu rộng cả ngoài đời và trong sách vở, đặc biệt là trong sa tra (sách lá buông) của đồng bào Khmer, và cũng cần phải có năng khiếu mới có thể ứng tác biểu diễn thành công.


Do những đặc thù và yêu cầu đòi hỏi khắt khe của loại hình nghệ thuật này mà hiện nay, những nghệ nhân biết đàn hát Chầm riêng chà pây ở Nam bộ không có nhiều. Ở Trà Vinh, nói đến nghệ thuật này, mọi người đều nhớ đến nghệ nhân Thạch Mâu. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ngoài việc đào hầm bí mật nuôi cán bộ cách mạng, nghệ nhân Thạch Mâu đã dùng lời ca, tiếng đàn Chầm riêng chà pây của mình đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, tuyên truyền, giáo dục mọi người về những đức tính tốt đẹp như tình yêu quê hương, phum sóc, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên... ông còn ứng tác nhiều bài hát nói về đường lối cách mạng của Đảng, vận động binh lính rời bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình đã góp phần tích cực cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc... Sang thời kỳ đổi mới, những bài hát của ông lại chú trọng đến việc khuyên răn đồng bào, đặc biệt là lớp trẻ những đạo lý sống, dạy mọi người cách sống và làm việc theo pháp luật, phê phán thói hư tật xấu... Có thể lấy ví dụ:


Đồng bào nếu muốn được sung túc,
Hãy đưa con cháu chúng ta đến trường,
Cho học hành hiểu biết với người ta,
Như thế dân tộc ta mới được vững bền.
...
Anh em ơi! Bây giờ ta phải biết suy tính,
Đừng vướng vào rượu chè,
Bởi khi ta say rượu thì quên hết bản thân và quên hết luật lệ.


Khẳng định những đóng góp to lớn của loại hình nghệ thuật này, ông Sơn Song Sơn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhận định:“Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chầm riêng chà pây có công rất lớn trong việc tuyên truyền đối với đồng bào Khmer. Ngày nay, trong quá trình xây dựng ấp, khóm văn hóa trong đồng bào Khmer rất cần loại hình nghệ thuật này để tuyên truyền, cũng như dùng Chầm riêng chà pây để giáo dục, giáo huấn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer”.


Theo lời kể của các nghệ nhân, trước đây, hầu như mỗi phum sóc đều có người biết hát Chầm riêng chà pây. Thế nhưng hiện nay, số người biết đàn hát Chầm riêng chà pây ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại vài người. Có thể kể đến nghệ nhân Lý Sêm (Sóc Trăng), nghệ nhân Thạch Mâu (Trà Vinh), nghệ nhân Chau Nưng (An Giang), nghệ nhân Danh Xà Rậm (Bạc Liêu)... Điều đáng nói là hầu hết các nghệ nhân này đều đã cao tuổi, nhưng thế hệ kế thừa thì rất hiếm hoi. Nghệ nhân Thạch Mâu tâm sự: “Tôi năm nay đã 80 tuổi, không biết sống nay chết mai như thế nào. Ước mơ cuối đời của tôi là làm sao có thể lưu truyền lại loại hình nghệ thuật đã có hàng trăm năm tuổi của cha ông, một loại hình nghệ thuật quý giá, độc đáo của dân tộc cho con cháu đời sau biết mà dùng”. Lo lắng của nghệ nhân Thạch Mâu cũng là nỗi trăn trở của các nghệ nhân Chầm riêng chà pây, bởi hiện nay, loại hình nghệ thuật được xem là tinh hoa của đồng bào Khmer này là vậy nhưng việc bảo tồn, phát huy và truyền dạy vẫn chưa được các cơ quan chức năng chú trọng. Việc truyền dạy chủ yếu vẫn do những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc, không đành lòng “chết đem theo” nên cố truyền lại cho lớp trẻ, nhưng đáng tiếc đây là một loại hình nghệ thuật rất khó, nên không có dễ dàng để tìm được người vừa đam mê, vừa có năng khiếu để học được.


Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật Chầm riêng chà pây vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa qua, là ghi nhận xứng đáng về giá trị của loại hình nghệ thuật này, đáp ứng được lòng mong mỏi và nguyện vọng của đông đảo người dân, đặc biệt là của các nghệ nhân Chầm riêng chà pây trong việc gìn giữ một di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer. Trước mắt, cần đầu tư kinh phí tuyển chọn những người có năng khiếu tổ chức các lớp học để nghệ nhân truyền dạy lại cho lớp trẻ kế thừa. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật Chầm riêng chà pây. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân, thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát Chầm riêng chà pây để động viên tinh thần nghệ nhân, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và phát huy di sản...


Bài và ảnh: Văn Tưởng

Nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây của người Khmer - Bài 1: Tinh hoa của âm nhạc dân gian
Nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây của người Khmer - Bài 1: Tinh hoa của âm nhạc dân gian

Chầm riêng chà pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay loại hình nghệ thuật này đang bị mai một, rất cần được bảo tồn và gìn giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN