Nga hối thúc giải pháp "liên bang" cho Ukraine

Ngày 30/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hối thúc các cường quốc phương Tây ủng hộ đề xuất trao nhiều quyền lực hơn cho các khu vực nói tiếng Nga tại Ukraine trong một cấu trúc "liên bang".

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc gặp tại thủ đô Roma, Italy ngày 6/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết nếu các đối tác phương Tây nhất trí, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể thành lập một nhóm trợ giúp và hợp tác với giới lãnh đạo tại Kiev. Giải pháp này sẽ đưa tất cả các lực lượng chính trị tại Ukraine, trừ các thế lực cực đoan, ngồi vào bàn đàm phán và kết thúc bằng việc soạn ra hiến pháp mới cho phép một "cấu trúc liên bang" với quyền tự trị khu vực lớn hơn.


Theo Ngoại trưởng Nga, giải pháp này sẽ bảo vệ quyền lợi cho người dân Ukraine, và trước hết là những người Ukraine nói tiếng Nga sinh sống trên lãnh thổ quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây.


Phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga được công bố ngay trước thềm cuộc gặp giữa ông Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry diễn ra vào tối cùng ngày tại thủ đô Paris (Pháp), nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao tháo gỡ những căng thẳng trong cuộc đối đầu Đông - Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.


Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimia Putin ngày 30/3 cho biết muốn tiếp tục có các cuộc tiếp xúc "cứng rắn nhưng mang tính xây dựng" với Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề Ukraine.


Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước Ukroboronprom của Ukraine, ông Yuri Tereshchenko, cho biết tập đoàn này đã "đóng băng" hoạt động cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Nga và thừa nhận đã bị thiệt hại kinh tế. Trong thành phần của Ukroboronprom có 134 xí nghiệp quốc phòng của Ukraine, trong đó có 13 xí nghiệp nằm trên lãnh thổ Crimea. Cho đến nay, nguồn thu nhập ổn định nhất của tập đoàn vẫn là những hợp đồng nước ngoài. Ngày 13/3, tập đoàn đã gửi cho Nga lô tiếp theo gồm các thiết bị radar điện tử, thước ngắm và phương tiện hướng dẫn dành cho robot và hàng không.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Putin, các cuộc điện đàm giữa ông Putin và bà Merkel thực sự hữu ích. Mặc dù quan điểm giữa hai nước về cuộc khủng hoảng Ukraine có khác biệt về một số điểm, Moskva kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc như vậy.


Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/3 đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận đề xuất của Mỹ tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảngUkraine. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Washington và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea (Crưm). Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Nga - Mỹ nhất trí rằng ngoại trưởng hai nước sẽ gặp lại nhau để thảo luận các bước đi tiếp theo.


Cũng trong ngày 29/3, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, Tổng thống Obama đã kêu gọi Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine và đối thoại trực tiếp với Kiev. Tuy nhiên, hồi đầu tuần, Moskva đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này đã huy động quân tới biên giới với Ukraine sau khi sáp nhập Crimea vào Nga.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN