Mở rộng kết nối cung cầu hàng hóa

Chương trình Hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tuy mới thực hiện được 2 năm, nhưng đã có 20 tỉnh, thành tham gia. Chương trình này giúp cho các DN, địa phương tham gia đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và giúp cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh hưởng lợi từ các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.


Từ những cuộc “se duyên”


Tại buổi sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ diễn ra vào sáng ngày 11/4, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò đầu tàu kinh tế, TP Hồ Chí Minh là trung tâm sản xuất, phân phối, trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa sôi động với quy mô thị trường chiếm hơn 25% của cả nước. Vì vậy, việc giữ ổn định thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

 

Lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND TP Hồ Chí Minh chứng kiến lễ ký kết hợp tác hỗ trợ giữa ngân hàng với Sở Công Thương 7 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tham gia chương trình bình ổn thị trường. Ảnh: Thanh Vũ

 

Với nhận thức đó, đầu năm 2012, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại với 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ nhằm thực hiện tốt hơn các mục tiêu nêu trên. Theo đó, cuối năm 2013 đã có 277 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối, lũy kế từ năm 2012 đã có tổng cộng 425 hợp đồng được ký kết. Nội dung ký kết chủ yếu là tiêu thụ hàng nông sản, đặc sản của các địa phương tại thành phố và cung ứng con giống, thực phẩm chế biến của DN TP Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành.


Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó GĐ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhờ kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành được thực hiện liên tục mà việc xử lý biến động thị trường, giá cả được thực hiện kịp thời. Điển hình như khi TP Hồ Chí Minh có biến động thị trường trứng gia cầm đầu năm 2013 và 2014, nguồn cung ứng trứng gia cầm từ các địa phương đã giúp thị trường nhanh chóng ổn định, trở về bình thường.


Chương trình Hợp tác thương mại còn giúp các DN tỉnh, thành Tây - Đông Nam Bộ mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho hay, trong tổng số 100 tỷ đồng doanh thu của các DN tiêu thụ tại thị trường nội địa trong năm qua, riêng tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh đã được 80 tỉ đồng. Điều này cho thấy, sự “se duyên” đã đem lại hiệu quả thiết thực cho DN tỉnh An Giang. Ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang thừa nhận: “70 - 80% doanh thu một năm của DN là đến từ TP Hồ Chí Minh. Nếu không tham gia hợp tác thương mại, có lẽ đầu ra của DN chỉ có thể gói gọn trong địa phương mà thôi.”


Đến liên kết đầu tư phát triển sản xuất


Bà Mai Thị Ánh Tuyết cho biết thêm, với hiệu quả trên, tỉnh An Giang đã xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, chính thức ký kết với Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) để xây dựng vùng nguyên liệu nuôi bò, cung ứng thịt bò nguyên liệu cho Vissan… Ngoài ra, với sự hỗ trợ của thành phố, một số DN của An Giang cũng bắt đầu tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh. Năm 2014, các DN tỉnh An Giang sẽ tăng mạnh thị phần tại siêu thị Sài Gòn Co.op. An Giang cũng sẽ ký kết tiếp với Sài Gòn Co.op để xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng, ứng dụng cao vào sản xuất hàng hóa.


Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, thực hiện chương trình Hợp tác thương mại, DN đã đầu tư một trung tâm thương mại tại Cần Thơ, 4 siêu thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Kiên Giang, Hậu Giang với tổng vốn 480 tỷ đồng; Ký kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất nhãn hàng riêng với 104 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, doanh số đạt 925,43 tỷ đồng trong năm qua.


Tương tự, Công ty Vissan đã liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương, tiêu thụ hơn 30.800 tấn lợn hơi, hơn 1.240 tấn bò hơi, tổng giá trị đạt 1.040 tỉ đồng; cung ứng hơn 10.770 tấn thực phẩm chế biến với doanh dố gần 970 tỷ đồng/năm. Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung cấp gần 53.930 con lợn hậu bị, lợn giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, cung ứng 42.170 con tại 15 tỉnh, thành theo chương trình hợp tác thương mại, chủ yếu tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... Bên cạnh đó, 3 chợ đầu mối của thành phố còn tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ.


Bà Lê Ngọc Đào cho biết, ngoài liên kết đầu tư phát triển sản xuất, các địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành phố phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy kênh phân phối hiện đại. Tính đến thời điểm này, tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, các DN thành phố đã đầu tư 1 trung tâm thương mại; 90 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành; 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm… Sự phát triển mạng lưới phân phối này đã giúp gắn kết và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa các địa phương trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm.


Năm 2014, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy thế mạnh của chương trình Hợp tác thương mại năm 2013, đồng thời hỗ trợ, khuyến khích DN thành phố thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, nhân lực, kỹ thuật… cho các DN, hợp tác xã, hộ nông dân các tỉnh, thành để sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, kết nối về tín dụng ngân hàng của thành phố với DN các tỉnh, thành cũng đang được triển khai hiệu quả. Trọng tâm là triển khai kết nối 3 bên là Ngân hàng - DN bình ổn thị trường - Chuỗi cung ứng bình ổn thị trường với DN, hợp tác xã, hộ nuôi trồng… tại các địa phương. Qua đó, hỗ trợ các DN có tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư, phát triển sản xuất, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nhà phân phối và thị trường.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN