Miền Trung gồng mình trong lũ lớn

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến nay bão số 11 và mưa lũ đã làm 10 người chết (Quảng Nam 3 người, Quảng Bình 6 người, Nghệ An 1 người); mất tích 5 người (Hà Tĩnh 3 người, Thừa Thiên- Huế 1 người, Bình Định 1 người); bị thương 76 người (Quảng Bình 27 người, Quảng Trị 11 người, Thừa Thiên - Huế 11 người, Đà Nẵng 11 người, Quảng Nam 7 người, Quảng Ngãi 9 người). Có 548 nhà bị sập, trôi và 34.220 nhà bị ngập, 12.515 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 20 trường học và 452 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; 37 trụ sở cơ quan, bệnh viện bị hư hại.

 

Đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp nhân dân làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Công Tường-TTXVN


Do mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập ở nhiều nơi, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh và phía bắc Quảng Bình (thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch) đã bị ngập nghiêm trọng, nhiều nơi ngập sâu từ 1,5m đến 2,0 m. Tại Hà Tĩnh bị ngập tại 35 xã (Hương Sơn 14 xã, Hương Khê 10 xã, Vũ Quang 11 xã). Quốc lộ 8A, quốc lộ 15A, tỉnh lộ 17, tỉnh lộ 3 bị ngập ở nhiều nơi.


Khu quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đi cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến ngày 17/10 vẫn đang trong tình trạng bị chia cắt hoàn toàn. Mưa lớn kéo dài từ ngày 16/10 đến nay làm nước dâng cao gây ra tình trạng ngập lụt trên nhiều đoạn, điểm ngập sâu nhất lên đến gần 2 m. Mưa lớn cũng làm sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn đường. Hiện nay, do nước ngập sâu, nên tất cả các phương tiện, máy móc đều không thể di chuyển đến các điểm sạt lở.

Ngày 17/10, thành phố Hà Nội quyết định trích từ “Quỹ cứu trợ” của thành phố 4 tỷ đồng hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh miền Trung, gồm: TP Đà Nẵng; tỉnh Quảng Nam; Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị mỗi tỉnh được hỗ trợ 500 triệu đồng (đợt 2).

 


Đến chiều 17/10, quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An đã được thông tuyến, mọi phương tiện đã có thể qua lại được bình thường. Ngành giao thông Nghệ An đang tích cực xử lý các sự cố sạt lở đường; cắm cọc tiêu, biển báo, cử người trực gác để cấm người, phương tiện tham gia giao thông qua lại tại những vị trí đang bị ngập lụt nặng trên các tuyến đường, cầu tràn.


Theo tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến sáng ngày 17/10, tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc tại tỉnh Quảng Bình đã chính thức thông tuyến trở lại. Sau khi thông tuyến, hành khách các tàu SE6, SE4, SE2, TN2, SE8 đã tiếp tục hành trình. Trước đó, tuyến đường sắt Bắc- Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình đã bị chia cắt do lũ lụt và sạt lở gây ra tại nhiều điểm thuộc huyện Tuyên Hóa.


Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố đã thực hiện nghiêm túc Công điện 1616 ngày 14/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 79 của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, triển khai toàn diện công tác ứng phó với mưa lũ. Lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh đã trực tiếp đi xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với lũ, an toàn hồ chứa, sơ tán dân tại các trọng điểm, khu vực xung yếu.


Tính đến ngày 17/10, các tỉnh miền Trung đã sơ tán, di dời tổng cộng 2.110 hộ/8.580 người từ các vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Cụ thể như tỉnh Hà Tĩnh đã huy động các lực lượng an ninh, quân sự cùng các cấp chính quyền tổ chức di dời 1.450 hộ dân với gần 6.000 người ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn đến nơi an toàn. Đồng thời huy động các lực lượng cùng phương tiện đến các huyện này hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt.


Đến sáng 17/10, huyện Yên Thành (Nghệ An) di dời 300 hộ dân ở hạ lưu đập hồ Đồn Húng, hồ Kẻ Sặt 50 hộ và hồ Nhà Trò 270 hộ; huyện Nam Đàn di dời 108 hộ ở vùng hạ lưu đập hồ Thành đến nơi an toàn.


Trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa trên diện rộng, mực nước ở các hồ đập trên địa bàn ngày một dâng cao, có 92 hồ đập trong tình trạng mất an toàn, tập trung tại một số huyện phía nam của tỉnh. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ đập, đê điều; trong đó đặc biệt lưu ý đối với các hồ đập chứa nước mất an toàn. Tại những hồ này, tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư chủ động xử lý khi có sự cố, vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế.


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương: Lũ trên các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông La hiện đang tiếp tục lên; thượng nguồn sông La, các sông ở Quảng Bình và các sông khác ở Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xuống. Do đó, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa cần phải cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trước sự diễn biến phức tạp của mưa lũ.

 Tiến Hiếu - Văn Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN