Khép lại 2013, kỳ vọng 2014

Cuốn lịch năm 2013 vừa lật qua trang cuối cùng, khép lại một năm buồn vui lẫn lộn, nhưng chúng ta vẫn kỳ vọng vào một tương lai sáng hơn trong năm 2014.


Châu Á bất ổn


Trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2013, châu Á (bao gồm Trung Đông) chiếm tới một nửa trong số 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm qua do các báo và hãng thông tấn hàng đầu bình chọn.

 

Châu Á chiếm một nửa những sự kiện nổi bật của năm.


Có thể thấy năm qua là một năm đầy bất ổn đối với Đông Bắc Á khi mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực leo lên nấc thang mới, chủ yếu liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nửa đầu năm, tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lên sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2087 lên án vụ thử tên lửa hồi tháng 12/2012 của Bình Nhưỡng và sau đó lại thông qua Nghị quyết 2094 về tăng cường trừng phạt tài chính đối với CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3. Ngay nội bộ Triều Tiên trong những ngày cuối năm cũng xảy ra một sự kiện gây chấn động thế giới khi ông Jang Song-thaek, người từng được coi có nhân vật quyền lực lớn thứ hai, bị xử tử hình với cáo buộc phản cách mạng. Sự kiện này báo hiệu một năm tới sẽ có nhiều biến động căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.


Khi điểm nóng Triều Tiên hạ nhiệt, vấn đề Biển Đông và Hoa Đông lại dậy sóng. Tháng 1/2013, Philippines tuyên bố đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài của LHQ về các tuyên bố gây tranh cãi về chủ quyền của Bắc Kinh coi phần lớn Biển Đông nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Gay gắt hơn là tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh cuộc chiến âm ỉ về chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc quyền quản lý của Tokyo ở biển Hoa Đông. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào cuối năm khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm không chỉ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu mà Seoul đang kiểm soát và một phần không phận xung quanh đảo Jeju của Hàn Quốc. Điều này đã gây bão trong quan hệ không chỉ với Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến “tuần trăng mật” trong quan hệ Trung - Hàn, báo hiệu những mâu thuẫn khó hàn gắn trong thời gian tới.


Nhìn sang Đông Nam Á, chính trường Campuchia và Thái Lan đã và đang có nhiều bất ổn. Với cáo buộc gian lận bầu cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa V dẫn tới chiến thắng sít sao của đảng Nhân dân Cambodia cầm quyền, đảng Cứu nguy dân tộc Cambodia đã phát động biểu tình và tẩy chay phiên họp Quốc hội đầu tiên, gây cản trở tiến trình thành lập chính phủ và bất ổn cho xã hội. Trong khi đó, tình hình Thái Lan bất ổn nghiêm trọng từ cuối tháng mười do mâu thuẫn và xung đột phe phái sâu sắc. Trước làn sóng biểu tình của phe đối lập đòi chính phủ từ chức, Thủ tướng Yingluck Sinawatra đã quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 2/2014.


Điểm nóng tiếp theo là Trung Đông, một phần của lục địa châu Á. Sau nhiều tháng tưởng chừng Syria sẽ phải hứng chịu cuộc tấn công quân sự của phương Tây, cuối cùng nhờ sáng kiến hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Syria đã tránh được nguy cơ đó sau khi Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận đột phá về tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria (được đánh giá lớn thứ 3 thế giới) chậm nhất vào giữa năm 2014. Thỏa thuận mở ra triển vọng tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua ở Syria, với điểm hẹn là Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần hai dự kiến sẽ diễn ra ngày 22/1/2014 tại Geneva, Thụy Sĩ.


Trong khi đó, điểm nóng Iran cũng đã dịu đi nhiều sau khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận sơ bộ mang tính lịch sử nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, mở đường cho giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề này.


Không chỉ đối mặt với tình hình chính trị bất ổn và những căng thẳng trong quan hệ giữa các nước láng giềng, châu Á còn hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên, khủng khiếp nhất là cơn bão nhiệt đới Haiyan - được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, di chuyển nhanh hơn tốc độ của tàu hỏa siêu tốc. Siêu bão Haiyan đổ bộ vào khu vực miền Trung Philippines hồi trung tuần tháng 11 đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhất ở nước này trong vòng 23 năm qua: hơn 5.500 người thiệt mạng, 1.600 người mất tích và 4 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 36,6 tỷ peso (825 triệu USD).


Chấn động vụ bê bối nghe lén


Bên ngoài châu Á, những sự kiện nổi bật đáng chú ý là vụ bê bối Snowden làm hé lộ những mảng tối trong hoạt động tình báo của Mỹ, chính phủ Mỹ đóng cửa đe dọa gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới, kinh tế châu Âu thoát khỏi suy thoái, cái chết của Hugo Chavez và Nelson Mandela,…


Vụ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hồi tháng 6/2013 tiết lộ chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), bao gồm cả việc nghe lén điện thoại của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ của Washington với nhiều nước, kể các các quốc gia đồng minh ở châu Âu. Ảnh hưởng từ vụ bê bối còn lan ra bên ngoài cộng đồng tình báo, mà hệ lụy là các đại gia công nghệ lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Apple, Yahoo… có nguy cơ mất hàng tỷ USA do người sử dụng chuyển sang dùng sản phẩm khác ít bị theo dõi hơn. Vụ việc còn đẩy quan hệ giữa Washington và Moscow trở nên xấu đi vì những tranh cãi về vấn đề tị nạn của Snowden.


Một sự kiện khác cũng xảy ra tại Mỹ nhưng tác động không nhỏ tới toàn thế giới, đó là lần đầu tiên sau 17 năm, nhiều cơ quan liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động khi hai chính đảng chủ chốt tại Mỹ gồm đảng Dân chủ (kiểm soát Thượng viện) và đảng Cộng hòa (kiểm soát Hạ viện) không thể thống nhất vấn đề nâng mức trần nợ công và dự luật chi tiêu ngân sách tài khóa 2014. Chỉ trong 16 ngày đóng cửa, nước Mỹ thiệt hại tới 24 tỷ USD. Cũng vì thiếu tiền, ngày 3/12, Detroit chính thức trở thành thành phố lớn nhất của Mỹ tuyên bố phá sản theo Luật Liên bang về phá sản của Mỹ.


Năm 2013, thế giới chứng kiến sự ra đi của hai nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới. Ngày 5/12, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid và là một trong những chính khách xuất chúng của thế kỷ XX, đã qua đời ở tuổi 95. Trước đó, đầu tháng ba, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ngọn cờ đầu của phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh với chính sách đưa Venezuela theo con đường chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, đã qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Sự ra đi của hai nhân vật lừng danh đã để lại niềm tiếc thương không chỉ đối với Nam Phi hay Venezuela mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới.


Năm 2013 đã khép lại. Bước sang năm mới, những thách thức và điểm nóng kế thừa từ năm cũ được dự báo sẽ khó được giải quyết một cách hiệu quả, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn nếu các bên không kiềm chế “những cái đầu nóng” và không có tầm nhìn dài hạn. Kết quả từ một cuộc khảo sát với 1.200 quan chức chính phủ Mỹ, học giả và giới chuyên gia được thực hiện bởi Trung tâm hành động ngăn ngừa trực thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ cho thấy hồ sơ hạt nhân Iran vẫn là một ẩn số cho năm 2014. Nếu các bên không nỗ lực xóa bỏ những nghi kỵ lẫn nhau, vấn đề hạt nhân Iran khó có được kết quả cuối cùng. Giới chuyên gia nhận định rằng cơ hội để có được thỏa thuận không phụ thuộc vào một bên mà phải từ thành ý của cả hai phía. Iran cần tiếp tục đối thoại và hành xử minh bạch để thuyết phục phương Tây rằng họ không có ý định sản xuất bom hạt nhân. Cùng với đó, nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn đối với Iran, nó sẽ gây trở ngại vô cùng lớn cho tiến trình đàm phán để đi tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, đồng thời khiến cho những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - Iran càng thêm sâu sắc.


Không chỉ vấn đề Iran, tình trạng bất ổn của Triều Tiên cũng được xem là một trong những mối lo ngại khẩn cấp nhất trong năm 2014. Ngoài ra, xung đột ở Syria, bạo lực và bất ổn ở Afghanistan, bất ổn chính trị ở Jordan cũng được xếp vào top đầu những mối lo ngại trên thế giới trong năm tới.


Tất nhiên năm 2014 không phải là một bức tranh toàn gam màu tối. Một điểm sáng có thể thấy rõ nhất là kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013. Kinh tế thế giới năm 2014 được nhận định sẽ tăng trưởng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%) với các động lực tăng trưởng chủ yếu là sự khởi sắc của kinh tế Mỹ, châu Âu thoát khỏi khủng hoảng và từng bước phục hồi, Nhật Bản tăng trưởng chậm nhưng bền vững nhờ chính sách kích thích kinh tế quyết liệt (Abenomics) của Chính phủ. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với những thách thức khi các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tương tự như Nhật Bản giai đoạn 1980-1998 khi rơi vào tăng trưởng chậm và giảm phát.


Nguyệt Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN