Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

*Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra tại 6 tỉnh trong vùng Tây Bắc nhằm khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách đối với đồng bào di cư tự do tại Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và tình hình kinh doanh, sử dụng đất, lao động tại các nông, lâm trường quốc doanh tại Thanh Hóa và Nghệ An.


* Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bộ ngành và các tỉnh chủ động bố trí các đoàn ngoại giao, báo chí, tổ chức nước ngoài đến tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo và tác nghiệp báo chí trên địa bàn Tây Nguyên. Báo cáo tình hình hợp tác với Lào và Campuchia, tổ chức đoàn công tác đi thăm và chúc Tết một số địa phương, quân khu của Campuchia; đón tiếp và làm việc với Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung ương Lào. Thông qua các chuyến thăm và làm việc, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thắt chặt mối quan hệ giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với các tỉnh Tây Nguyên. 


* Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức ký kết quy chế phối hợp công tác giữa hai đơn vị. Theo đó, hai cơ quan thống nhất phối hợp: Nghiên cứu, xây dựng các đề án, ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thuộc khu vực ĐBSCL và cả nước; tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, các địa phương trong vùng ĐBSCL. Phối hợp nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học liên quan để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tổ chức khảo sát, nắm tình hình, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất...


*Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tiến hành khảo sát thực tế về hoạt động của Hợp tác xã và Tổ hợp tác tại 13 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Nội dung khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn; đồng thời lựa chọn xây dựng thí điểm 3 mô hình hợp tác xã điển hình trong lĩnh vực lúa gạo, cá tra, cây ăn trái tại các địa phương vùng ĐBSCL.


* Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thực hiện Quyết định số 1835/2003/QĐ-BYT của Bộ Y tế, trong tháng 6 vừa qua, Học viện Quân y đã chuyển giao cho các tỉnh Tây Nguyên 106 bác sĩ và 56 cử nhân cao đẳng điều dưỡng (được đào tạo theo chế độ cử tuyển), nâng tổng số học viên ra trường theo Quyết định trên lên hơn 400 người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82%). Đây cũng là chủ trương nhằm thực thi Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 14/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nhân lực y tế cho các tỉnh Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển để bổ sung nguồn nhân lực y tế cho các tỉnh Tây Nguyên nằm trong chương trình dự án đào tạo 600 bác sĩ đến năm 2018.


*Theo tin từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tính đến 31/7, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã triển khai kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với vùng Tây Bắc được cam kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội tổ chức tháng 4/2013 tại Tuyên Quang. Vietinbank cam kết hỗ trợ 225,866 tỷ đồng (trên tổng số 543 tỷ đồng được 114 đơn vị, doanh nghiệp cam kết tại hội nghị). Nguồn kinh phí hỗ trợ trên được Vietinbank ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, đền ơn đáp nghĩa và xây dựng đường giao thông nông thôn. Đây là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội đối với vùng nghèo, đồng bào nghèo trên cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng.


Thu Hồng - Ngọc Đức - Bích Liên - Xuân Quang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN