Giữ gìn tinh hoa trong lễ hội truyền thống

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là sản phẩm văn hóa tinh thần của dân tộc.


Một điều ai cũng ghi nhận, lễ hội nào gắn với một sự tích, một huyền tích, một sự kiện lịch sử, một danh nhân lịch sử có công trạng lớn với dân, với nước, thì lễ hội ấy, nhân dân tự nguyện tham gia rất đông. Ở các lễ hội này, văn hóa tâm linh, văn hóa du lịch hòa quyện với nhau làm một. Người dân tham gia lễ hội với ý thức tưởng niệm, ghi nhớ công lao của các danh nhân, tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử cụ thể, vừa cầu mong những điều tốt đẹp cho mình và cho cộng đồng, đất nước. Ở các lễ hội này cần chú trọng đề cao sự tích thiêng, công trạng của các danh nhân, tôn trọng lịch sử, biết phát huy những giá trị nhân văn qua các sự tích, huyền tích, huyền thoại, công trạng của các vị anh hùng dân tộc mà nhân dân ta tôn thờ và ngưỡng mộ.


Hội đua ngựa của dân tộc Mông tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Giữ gìn tinh hoa trong nội dung và hình thức tổ chức lễ hội là điều rất quan trọng. Mọi lễ hội đều có phần lễ và phần hội. Song không phải là phép cộng đơn thuần mà cần được tổ chức hòa quyện với nhau, sao cho mỗi lễ hội đều có một sắc thái riêng. Lễ hội truyền thống có nhiều nghi thức, tưởng như rườm rà, nhưng cũng chính nhờ đó mà có sắc thái riêng biệt của từng vùng, từng phong tục tập quán của từng miền dân cư. Giữ gìn những tinh hoa ấy chính là bảo tồn, khai thác và phát huy tốt các giá trị văn hóa và nhân văn truyền thống của ông cha ta. Song chúng ta cần tổ chức trang nghiêm, thành kính, để qua đó giáo dục thế hệ trẻ tự hào về cái hay, cái đẹp của truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.


Để làm được như vậy, cần thực hiện nhiều yếu tố như: Trang phục lễ, văn tế, văn chúc, đồ tế khí... Chỉ cần sơ suất nhỏ trong hành lễ hoặc khâu tổ chức cũng làm hạn chế đến cốt cách và tinh hoa, cũng như sắc thái và dấu ấn riêng của từng lễ hội.


Ý thức và tâm thức của người dân đến với lễ hội là điều rất cần lưu ý. Với lòng thành kính, nhân dân đến với các di tích, danh thắng, danh nhân lịch sử-văn hóa, tưởng nhớ công trạng của các vị anh hùng dân tộc có công với dân, với nước, cầu mong những điều tốt đẹp cho mình và toàn xã hội. Nét văn hóa tâm linh ấy thật đáng trân trọng và phát huy, đừng để các biểu hiện không lành mạnh, những hủ tục mê tín dị đoan lạc hậu lấn át.


Quản lý tốt lễ hội là góp phần gìn giữ cốt cách, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hạn chế được những mặt trái và tiêu cực trong các lễ hội. Cần định hình thời gian, địa điểm, nội dung, hình thức phần lễ và phần hội, trên cơ sở phát huy và giàu thêm nội dung đã có.


Môi trường tổ chức lễ hội cũng góp phần tăng thêm sự thiêng liêng và tôn nghiêm của lễ hội. Một phần gắn với di tích, danh nhân, một phần có cảnh quan du lịch, thu hút, hấp dẫn du khách. Các lễ hội truyền thống hiện nay được tổ chức ở những môi trường khá lý tưởng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, song cũng cần gắn lễ hội với những vùng mà ở đó Tổ tiên, ông cha ta dày công xây dựng cơ nghiệp, các làng nghề truyền thống gắn với các di tích, danh thắng và các giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca, dân nhạc, dân vũ ở các vùng miền...


Lễ hội càng tinh túy, tinh hoa được bảo tồn và phát huy, giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội càng đặc sắc và được gìn giữ thì sức sống của lễ hội càng lâu bền cùng dân tộc và mỗi miền quê.


Vũ Ba Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN