“Giới hạn đỏ” và những câu hỏi lớn về Syria

Có hay không một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 1.000 người thiệt mạng như thông tin các hãng phương Tây đăng tải? Ai là người đứng sau sự việc này và liệu có xảy ra một sự can thiệp quân sự vào Syria như đã từng diễn ra tại Iraq như trước đây hay không?


"Giới hạn đỏ"

Từ lâu, “giới hạn đỏ” là thuật ngữ chính phủ Mỹ đặt ra về việc nếu chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân, tức là vượt qua ranh giới này, thì phương Tây có thể tính tới can thiệp quân sự. Đây cũng là phản ứng của nhiều quốc gia phương Tây sau khi xuất hiện thông tin vũ khí hóa học được sử dụng ngày 21/8 vừa qua ở Syria, khiến 1.300 người thiệt mạng.

Một “giới hạn đỏ” của hậu quả chiến tranh đang treo trên đầu người dân Syria tị nạn. Ảnh:AFP/TTXVN


Ngày 24/8, một quan chức Nhà Trắng nói với hãng tin CNN rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày đã hội ý với các quan chức an ninh cấp cao để thảo luận về những cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân và nhấn mạnh "khi xác định rõ vấn đề, Tổng thống sẽ đưa ra quyết định về cách đối phó". Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết nếu thực sự những cáo buộc này là đúng sự thật, thì sự đáp trả nhanh chóng là cần thiết để ngăn chặn những hành động tương tự có thể xảy ra tiếp theo. Ông Hagel cũng cho biết quân đội Mỹ đã lên một loạt kế hoạch can thiệp vào Syria để Tổng thống Barack Obama có thể tùy chọn.


Trả lời kênh truyền hình BFM hôm 22/8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng nhấn mạnh nếu thực sự chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học thì đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hành động. Cùng lúc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đang ở thăm Đức cũng cho rằng: "Hội đồng Bảo an LHQ cần có hành động can thiệp cụ thể trước sinh mạng của hơn 1.000 người dân Syria". "Giới hạn đỏ đã bị vượt qua tại Syria”, Ngoại trưởng Davutoglu nói.


Những câu hỏi lớn


Tình hình Syria đang trở thành vấn đề lớn của thế giới với những câu hỏi chính cần được giải đáp, như đã nêu trên. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định tương lai của Syria khi mà các nước phương Tây chỉ cần chờ một lời khẳng định là có thể can thiệp.


Về câu hỏi có hay không việc sử dụng vũ khí hóa học? Các hình ảnh được hãng tin Reuters cung cấp cho thấy một loạt xác chết la liệt ở Syria, nhưng không có dấu hiệu bị thương. Một số có bọt ở mũi và miệng. Ông Hamish de Bretton - Gordon, cựu chuyên gia sinh hóa của quân đội Anh, cho rằng dựa trên những hình ảnh này, có thể thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng và chủ yếu là khí độc Sarin. “Chất độc này giết chết người rất nhanh”, ông Bretton - Gordon nói. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết cần có bằng chứng chính xác loại hóa chất nào đã được sử dụng và nó đã được vận chuyển bằng cách nào.


Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể xác định phe nào ở Syria là thủ phạm trong vụ tàn sát ngày 21/8 vừa qua. Trong khi lực lượng đối lập cáo buộc chính phủ của ông Assad, thì chính phủ đã bác bỏ, cho rằng đó là sự bịa đặt và là động thái của lực lượng đối lập nhằm tung hỏa mù và gây phức tạp thêm tình hình. Cũng không loại trừ vụ tấn công là một sự khiêu khích có chủ ý của phe đối lập hoặc phương Tây khi mà các chuyên gia của Liên hợp quốc đang có mặt ở Syria. Trong cuộc họp báo diễn ra ở Mátxcơva ngày 23/8, ông Alexander Lukashevich, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, nói: "Dường như đang có một nỗ lực nhằm tạo ra một cái cớ để yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đứng về phía phe đối lập, cản trở việc tổ chức hội nghị Genever 2”.


Mặc dù Tổng thống Obama đã bày tỏ sự thận trọng trước viễn cảnh tốn kém và sa lầy nếu can thiệp vào Syria, song cùng lại lúc xuất hiện nhiều dấu hiệu Mỹ đang chuẩn bị phương án và lực lượng một khi ông Obama quyết định khai hỏa. Cuộc khủng hoảng kéo dài 29 tháng qua tại Syria đang bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm, và vụ việc ngày 21/8 đã đẩy các bên liên quan vào một tình thế bế tắc mới.


Trong khi đó, số người thiệt mạng do cuộc nội chiến đã lên tới hơn 100.000 người, cùng hàng triệu người tị nạn đang phải chạy khỏi Syria. Đây có lẽ cũng là một "giới hạn đỏ", vượt quá sức chịu đựng của con người.


Công Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN