Giải “khát” để xây dựng nông thôn mới

Cùng với cả nước, các địa phương khu vực Tây Nguyên trong ba năm qua đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Bước đầu đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, buộc các tỉnh Tây Nguyên phải giải quyết tốt để xây dựng NTM thành công và bền vững, trong đó, giải “khát” là một trong những thách thức lớn nhất.

 

Nhiều thành tựu nông nghiệp

Với hai triệu ha đất bazan màu mỡ, Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum) là khu vực có lợi thế rất lớn về phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao, nông nghiệp với nhiều loại cây trồng thích hợp, chăn nuôi đại gia súc. Nhiều địa phương đã xây dựng được những vùng sản xuất theo hướng chuyên canh lớn về cà phê, cao su, hồ tiêu…; đồng thời sớm hình thành được cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá ổn định theo hướng phát triển bền vững và mang lại thu nhập cao cho người nông dân.


Thu hoạch hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Quang Quyết – TTXVN

 

Ghi nhận từ các địa phương cho thấy nhiều vùng sản xuất nông nghiệp cho thu nhập bình quân từ 100 – 120 triệu đồng/ha/năm; trong đó có những nơi cho thu nhập cao từ 200 – 300 triệu đồng/ha, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như trồng rau, hoa ở Lâm Đồng, hồ tiêu ở Gia Lai, cà phê ở Lâm Đồng, Đắk Lắk… Riêng tỉnh Lâm Đồng đã có 35.000 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (chủ yếu trồng cà phê, rau, hoa, chè, atiso, cây đặc sản… và nuôi bò sữa, cá nước lạnh), trong đó hơn 15.000 ha cho thu nhập 250 – 500 triệu đồng/ha/năm, trên 10.000 ha cho thu nhập 500 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có trên 1.000 ha đạt doanh thu “khủng” 2 – 3 tỷ đồng/ha/năm.


Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, năm 2013 diện tích cà phê các tỉnh Tây Nguyên – vùng chủ lực cà phê của cả nước đạt 555.127 ha, trong đó cà phê kinh doanh là 525.744 ha, năng suất bình quân 2,4 tấn/ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.262.095 tấn, giúp Việt Nam giữ vững danh hiệu là nước xuất khẩu cà phê vối hàng đầu thế giới. Tây Nguyên cũng có trên 30.000 ha hồ tiêu, sản lượng đạt gần 66.000 tấn (chiếm 48% diện tích và 53,4% sản lượng hồ tiêu cả nước), là vùng có năng suất hồ tiêu cao nhất nước 3,2 tấn/ha.


Thủy lợi phục vụ cho sản xuất


Để đạt được những thành tựu quan trọng, những con số đáng mơ ước trên, ngoài tiềm năng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, thời tiết thích hợp đối với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, cùng việc ứng dụng công nghệ cao, là sự phát triển của cơ sở hạ tầng để giúp cho sản xuất, sinh hoạt của khu vực nông thôn thêm thuận lợi. Nhiều địa phương trong vùng đã xác định đầu tư “đi trước” cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, để từ đó thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển theo. Các tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, hàng trăm cây cầu, công trình thủy lợi, đường dây và trạm điện.


Tại Lâm Đồng, thông qua việc huy động sự đóng góp của bà con nhân dân, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 145 công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh, nâng diện tích gieo trồng chủ động được tưới đạt 53% diện tích cần tưới. Trong xây dựng NTM những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng, hoàn thành trên 100 công trình thủy lợi. Hiện toàn tỉnh có 665 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới ổn định cho 221.000 ha cây trồng, tỷ lệ diện tích gieo trồng được tưới đạt trên 73%. Tỉnh Gia Lai cũng đã xây mới và nâng cấp 17 công trình thủy lợi, kiên cố hóa được 95 km kênh mương phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.


Thách thức của cả vùng


Là vùng sản xuất nông nghiệp với chủ yếu là diện tích đất đỏ bazan, lại không có nhiều nguồn nước từ các con sông lớn và thời gian khô hạn kéo dài, vấn đề nước tưới cho nông nghiệp là thách thức đã và đang được đặt ra đối với các tỉnh Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng NTM. “Tây Nguyên phải tập trung giải quyết cho được cái “khát” của khu vực này để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM thành công và bền vững” – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ cùng các địa phương tại hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng NTM khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, diễn ra mới đây tại thành phố Đà Lạt.


Theo TS Nguyễn Xuân Cường, cùng với biến đổi khí hậu, do khai thác và sử dụng chưa hiệu quả nên mực nước ngầm Tây Nguyên đã bị tụt, trữ lượng giảm so với trước. Vì vậy, các công trình thủy lợi càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc cung cấp nguồn nước tưới, giải “khát” cho diện tích gieo trồng của vùng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thủy lợi vẫn là một trong những hạn chế lớn về hạ tầng tạo nên “điểm nghẽn” chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên.


Trước tình trạng trên, trong khi chờ đợi huy động các nguồn lực để đầu tư thêm công trình thủy lợi thì việc khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có, sử dụng nước có hiệu quả là giải pháp trước mắt mà các địa phương đã thực hiện. Năm tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã hình thành các tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động có hiệu quả, thu hút người dân chủ động tham gia và đóng góp công sức, tiền của để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nhằm cung cấp đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.


Có thể kể đến mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê ở xã Eatul, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk); mô hình tại xã Buôn Tría, huyện Lắk và xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã đầu tư các trạm bơm điện thay các trạm bơm dầu, kết quả đã chủ động được nguồn nước và giảm đáng kể chi phí cho sản xuất. Các mô hình tưới tiết kiệm nước khoa học theo công nghệ tưới phun và tưới nhỏ giọt cho cây trồng có giá trị kinh tế cao đã triển khai rộng tại các tỉnh; trong đó toàn bộ diện tích rau, hoa công nghệ cao ở Lâm Đồng đều được tưới phun và tưới nhỏ giọt đã cho thấy hiệu quả cao.


Hoàng Gia

 

Tiếp tục đầu tư cho thủy lợi

Năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần đôn đốc thực hiện kết quả về giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển thủy lợi, thủy điện. Tập trung giải quyết các tồn đọng về xã hội, môi trường trong các vùng dự án; đề xuất tiếp tục thực hiện các dự án cấp điện cho các thôn, buôn, làng chưa có điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên từ nay đến năm 2015… Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

 

Tập trung vào công trình tạo nguồn nước

Cần tập trung đầu tư công trình tạo nguồn nước, hệ thống tưới và công nghệ phù hợp cho những vùng cây trồng cạn tập trung có hiệu quả kinh tế cao, vùng nguyên liệu của các cơ sở công nghiệp chế biến, vùng cây đặc sản có ưu thế cạnh tranh,cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả... Trong xem xét phát triển nguồn nước phải nghiên cứu cả nước mặt, nước ngầm. Cùng với giải pháp tưới nước cần nghiên cứu áp dụng các giải pháp giữ ẩm. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cho cây trồng cạn cần nguồn vốn lớn. Nhà nước cần đầu tư công trình tạo nguồn nước. Hộ nông dân, chủ trang trại tự đầu tư và quản lý hệ thống phân phối trong phạm vi sản xuất của mình. TS. Nguyễn Đình Ninh, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN