Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Hội nghị Trung ương 8, khóa XI đã thông qua Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những đổi mới này sẽ được thực hiện như thế nào? Liệu những chiếc cặp nặng trĩu trên đôi vai học sinh nhiều năm nay có được vơi bớt?… Đó là những băn khoăn mà người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Sáng suốt chọn sách tham khảo


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ những bức xúc với các bậc phụ huynh khi những sách tham khảo có nhiều sai sót, thiếu thực tiễn. Đây là biểu hiện của những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường vào giáo dục. “Những tài liệu lưu hành chính thống không có sai sót phi lý như trong sách tham khảo ngoài luồng bày bán tràn lan hiện nay. Sách tham khảo sai sót là do những người viết không đủ kiến thức về thực tiễn và sự thiếu trách nhiệm của những nhà xuất bản, nhà in chạy theo lợi nhuận”, Bộ trưởng khẳng định.


Từ thực tế này, Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai biên soạn và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, để đưa những tài liệu tham khảo tốt trong nước và nước ngoài vào nhà trường với một liều lượng thích hợp, đồng thời ngăn chặn những tài liệu, sách tham khảo phản giáo dục, phản thực tiễn vào nhà trường. Điều này cũng giúp nhà trường có cơ chế lựa chọn sách, tài liệu và ngăn chặn những tài liệu không tốt.


Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, ra thông tư liên tịch, xác định trách nhiệm của các nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ở ngoài thị trường. “Các bậc phụ huynh cần sáng suốt trước lựa chọn mua sách tham khảo cho con em mình”, Bộ trưởng đưa ra lời khuyên.


Lấy học trò làm trung tâm


“Sẽ có những thay đổi cả trong quan điểm, mục tiêu, phương pháp, nguyên tắc chỉ đạo và hoạt động giáo dục của nhà trường. Chuyển cách học lâu nay là truyền kiến thức của thầy cho học trò, sang chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh. Chuyển từ phương pháp dạy những kiến thức khoa học hiện nay, sang dạy cách cho học sinh tự học. Tức là tích hợp nhiều kiến thức ở các lớp dưới và phân hóa mạnh, kết hợp với tự chọn, ở những lớp học, bậc học khác. Như vậy, tính năng động, năng khiếu của học sinh sẽ được phát hiện”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.


Bộ trưởng chia sẻ: Đây không phải là việc cóp nhặt tùy tiện kiến thức của các môn khoa học, mà là sự lựa chọn có chủ đích những kiến thức khoa học của cuộc sống, những kiến thức góp phần hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh, theo một lộ trình, từ lớp dưới đến lớp trên, từ nhỏ đến lớn để đưa vào giảng dạy. Nói cách khác là nếu trước đây chia môn văn, sử, địa, thì sắp tới sẽ không phân chia, tách bạch. Khi giảng dạy về kiến thức địa lý sẽ gắn với những nhân vật anh hùng, nhà văn hóa, người có công với vùng đất ấy. Như vậy, học sinh sẽ có những kiến thức tổng hợp hơn cả về văn, sử, địa, giáo dục công dân…


Bộ trưởng khẳng định: “Việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo rất khó khăn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được”. Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với nhiều địa phương, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi như: Hà Nội, Nam Định và cả nhiều tỉnh còn khó khăn như: Lào Cai, Bắc Kạn, Cà Mau. Tại các tỉnh, thành này, Bộ đã cho triển khai thí điểm mô hình và phương án đổi mới ở hàng chục ngàn trường, với hàng trăm ngàn học sinh, trong đó có nhiều học sinh là dân tộc thiểu số, nói tiếng Việt còn chưa thạo.

 

Với điều kiện cơ sở vật chất và trình độ của học sinh ở những vùng khó khăn như vậy, nhưng việc thử nghiệm đổi mới đã diễn ra suôn sẻ, hứa hẹn có thể nhân rộng được. Bộ GD&ĐT cũng đã lường trước những khó khăn và có kế hoạch triển khai. Ngoài sách giáo khoa, Bộ chỉ đạo soạn sách hướng dẫn cho giáo viên để họ có tài liệu tìm hiểu, nghiên cứu, để thay đổi từng bước. Với cơ sở vật chất đã được trang bị, Bộ cũng cho in những đĩa hình để chuyển về các nhà trường làm tài liệu cho giáo viên được tiếp xúc, làm việc, học hỏi, trao đổi với những nhà giáo có kinh nghiệm; tận dụng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin để có liên lạc trực tuyến với giáo viên, từ đó mỗi vướng mắc của từng thầy cô sẽ được các chuyên gia giải đáp.

 

Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN