Phải 5 tháng sau khi về với đất mẹ, cố nghệ sĩ Văn Hiệp mới được đặc cách nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Tin ngày 13/9/2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu NSƯT cho ''bác trưởng thôn Văn Hiệp'' khiến nhiều người hâm mộ tài năng của ông thở phào. Bởi gần 30 năm hoạt động nghệ thuật, góp mặt trong rất nhiều vai diễn cả trên sân khấu lẫn phim truyền hình, là gương mặt nằm lòng của nhiều thế hệ yêu nghệ thuật nước nhà, nhưng đến lúc về với đất mẹ, ông vẫn chưa được trao tặng bất cứ danh hiệu nào ghi nhận những công lao, đóng góp.
Từ việc truy tặng danh hiệu cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp, đã cho thấy những bất cập trong quy định xét tặng các danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ nhân dân (NSND), NSƯT. Bởi vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến xây dựng lại dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Tuy nhiên, dự thảo đã được sửa đổi đến lần thứ bảy, nhưng các đơn vị nghệ thuật và giới nghệ sĩ đón nhận thông tư này với thái độ... dửng dưng. Theo đánh giá của dư luận, các tiêu chí được nêu trong dự thảo là chưa phù hợp với thực tế, nếu không nói là "đánh đố” và đẩy các nghệ sĩ vào thế thiệt thòi. Đơn cử, tiêu chuẩn để được xét tặng NSND là nghệ sĩ phải có thời gian hoạt động từ 20 năm trở lên, có ít nhất ba giải thưởng chính thức (huy chương vàng), trong đó có một giải thưởng liền kề với năm xét tặng danh hiệu tại các liên hoan nghệ thuật và hội diễn cấp quốc gia hoặc quốc tế và giải thưởng của hội văn học nghệ thuật chuyên ngành cấp Trung ương. Tương tự, điều kiện để được tặng danh hiệu NSƯT là nghệ sĩ có thâm niên hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, có ít nhất bốn giải thưởng (huy chương vàng hoặc huy chương bạc) trở lên.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì việc xét tặng danh hiệu sẽ công bằng, không phân biệt các nghệ sĩ đang hoạt động tự do hay thuộc các đoàn công lập. Nhưng rõ ràng, điều kiện về số huy chương lại là "nhiệm vụ bất khả thi" đối với các nghệ sĩ tự do. Cụ thể, vì được bao cấp, các đoàn công lập sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng (thậm chí tiền tỷ) để dựng vở đi dự hội diễn - liên hoan, dù kiếm xong huy chương rồi thì vở diễn... bị đắp chiếu. Trong khi đó, tư nhân khó có điều kiện để tham gia các hội diễn, nên cơ hội để được nhận giải thưởng và huy chương của các nghệ sĩ tự do là không thể.
Chưa kể, với những môn nghệ thuật có đặc thù riêng như múa, giao hưởng, dù mỗi năm dàn nhạc chỉ có vài buổi trình diễn, nhưng các nghệ sĩ vẫn phải vất vả luyện tập ngày đêm; nhưng hiện nay, ở Việt Nam chưa có liên hoan dành cho dàn nhạc giao hưởng, nên đòi hỏi về huy chương thì chẳng khác gì đánh đố các nghệ sĩ!!!
Cũng theo dự thảo thông tư, tiêu chí "phải có một giải thưởng liền kề với năm được xét tặng" là không khả thi. Bởi thường 5 năm mới có một hội diễn ca múa nhạc cấp quốc gia được tổ chức. Với các nghệ sĩ lớn tuổi, tiêu chí này càng ngặt nghèo. Diễn viên lớn tuổi nếu có ra sân khấu cũng chỉ được nhận vai phụ, rất hiếm vở diễn có "đất" để họ được tỏa sáng. Chưa kể, với các nghệ sĩ làm nhiệm vụ đào tạo hầu hết đã lùi về hậu trường để nhường cơ hội cho lứa đàn em và học trò của mình, nên khó có thể kiếm thêm huy chương để có thêm tiêu chuẩn để xét phong tặng, dù những cống hiến của họ là hoàn toàn xứng đáng...
Ghi nhận tài năng và cống hiến của nghệ sĩ là cả một quá trình dài, một vài tấm huy chương không đủ nói lên tầm vóc người nghệ sĩ. Với những người cả đời cống hiến cho nghệ thuật, có lẽ danh hiệu đích thực, danh hiệu cao quý nhất với họ, chính là chỗ đứng bền lâu trong trái tim của người hâm mộ.
Y.N