Chưa thực sự bứt phá

Vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng có mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của vùng thấp nhất trong cả nước và tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao là hơn 24%.


Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong những năm qua, dù nhiều khó khăn nhưng chính quyền các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đã tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư.


Khó thu hút đầu tư


Tuy nhiên, nhìn chung, sự phát triển của doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng nguồn vốn đầu tư trong nước vào vùng này đạt 262.000 tỷ đồng, dù tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với năm trước nhưng con số này mới chỉ chiếm vẻn vẹn 2% tổng vốn đăng ký đầu tư trên toàn quốc. Theo Tổng cục Thống kê, cả vùng chỉ có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động (tương đương 4,4% so với cả nước). Tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người của vùng chỉ đạt 13 doanh nghiệp/10.000 dân, bằng 1/3 bình quân chung của cả nước và thấp hơn nhiều các vùng khác.

 

Cơ cấu vốn ODA theo ngành và lĩnh vực.


Về thu hút đầu tư nước ngoài FDI, tính đến hết năm 2012, toàn vùng đã thu hút được 375 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4,1 tỷ USD, tăng thêm 30 dự án so với năm 2011 và 52 dự án so với năm 2010. Tuy nhiên, khi so sánh con số 375 dự án của vùng năm 2012 với 14.500 dự án của cả nước thì chỉ chiếm khiêm tốn 2,6% về số dự án FDI trên toàn quốc.


“Thực tế chúng ta phải thừa nhận là vùng trung du và miền núi phía Bắc chưa thực sự là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tất nhiên, điều này có những khó khăn đến từ khách quan về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn kém phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.


Dư địa còn nhiều


Ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho rằng: Năng lực điều hành kinh tế, mức độ cải cách hành chính, sự hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực chắc hẳn sẽ được khắc phục một phần nếu địa phương có công tác điều hành kinh tế tốt, có chiến lược phát triển tốt. Ngược lại, thực tế đã chứng minh nhiều địa phương có sẵn nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng lại không bứt phá, thu hút đầu tư được tương xứng với lợi thế có sẵn này.


Một trong những thước đo quan trọng về chất lượng điều hành kinh tế của bộ máy chính quyền là Chỉ số PCI mà VCCI và USAID công bố thời gian qua. Đây là bộ công cụ được phát triển bởi nhóm các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín, thể hiện “tiếng nói” của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang hoạt động tại các địa phương.


Theo báo cáo PCI mới nhất của VCCI, 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có kết quả điểm số được xếp vào bốn nhóm: tốt, khá, trung bình và tương đối thấp. Lào Cai và Thái Nguyên là hai địa phương có điểm số và thứ hạng tốt nhất trong vùng, được xếp vào nhóm điều hành “tốt”. Trong số 12 tỉnh còn lại, chỉ có Sơn La và Bắc Giang có xếp hạng cao hơn tỉnh trung bình cả nước trong khi 10 tỉnh khác đều rơi vào nửa cuối bảng xếp hạng. Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái và Hà Giang là các tỉnh có điểm tổng hợp PCI từ khoảng 53 đến cận 60 điểm, thuộc nhóm điều hành “khá”. Lai Châu và Bắc Kạn đứng trong nhóm “trung bình”, trong khi Cao Bằng, Tuyên Quang và Điện Biên rơi xuống phân nhóm điều hành “tương đối thấp”. Các kết quả chung này cho thấy một cảm nhận chưa thực sự tích cực và nhiều kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế và cải cách thủ tục hành chính của nhiều tỉnh trong vùng.


Nghiên cứu của VCCI cho thấy không gian cải cách cho các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn rất lớn. Trong khu vực đã có một số tỉnh đã có những bước chuyển tích cực. Hy vọng những kinh nghiệm thành công sẽ cùng lan tỏa sang nhiều tỉnh khác trong khu vực.


Tại hội thảo chuyên đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” vừa được Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với VCCI, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các địa phương trong vùng kỳ vọng rằng ngoài phần phân tích chuyên sâu, các bài học kinh nghiệm, thực tiễn sẽ giúp cho các tỉnh có thêm các ý tưởng nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại tỉnh mình và của toàn vùng nhằm thu hút ngày một nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Đổi mới môi trường đầu tư

Việc đổi mới môi trường đầu tư cần có môi trường cứng và môi trường mềm. Môi trường cứng là hạ tầng kỹ thuật, môi trường mềm là tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại, công nghiệp, đảm bảo cho các nhà đầu tư vào địa phương. Việc cải thiện môi trường là yếu tố quan trọng nhất. Nếu chỉ số CPI được cải thiện thì việc cải cách hành chính cũng rất nhanh. Đối với vùng Tây Bắc với sáu hành lang kinh tế đến năm 2020, tôi tin tưởng sẽ tạo ra cho Tây Bắc kết nối với các vùng động lực, sẽ đón nhận được các nhà đầu tư. Ngay từ bây giờ các tỉnh phải có ngay cơ chế phù hợp để kêu gọi đầu tư. Đối với Ban Kinh tế Trung ương, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin từ các hoạt động, thông tin của các tỉnh Tây Bắc để có thể chế riêng góp phần thức đẩy sự phát triển vùng Tây Bắc.

Ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

 

Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển

Lào Cai đã tích cực đổi mới cải cách thủ tục hành chính nên GDP hằng năm luôn tăng trưởng khá. Chúng tôi đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng định chính quyền là chỗ dựa tin cậy của doanh nghiệp với khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, “xắn tay” vào cuộc cùng doanh nghiệp. UBND tỉnh đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp đặt tại UBND tỉnh do đồng chí Phó Chánh văn phòng UBND làm tổ trưởng, hàng ngày báo cáo lãnh đạo tỉnh giải quyết, quyết đáp ngay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Công khai minh bạch để doanh nghiệp thấy được sự tin tưởng với chính quyền, cập nhật văn bản của tỉnh lên web của UBND tỉnh, tạo chữ tín cho các nhà đầu tư.

Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

 

Giải pháp thu hút các dự án ODA vừa và nhỏ

Các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc nên căn cứ vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ và nhu cầu thực tế của địa phương xây dựng và gửi các đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ xem xét, lựa chọn. Đối với những chương trình, dự án do các cơ quan Trung ương làm chủ quản (bộ, ngành, Ủy ban Dân tộc), các tỉnh gửi đề xuất cho các cơ quan này để tổng hợp chung. Các cơ quản lý nhà nước về ODA, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và các nhà tài trợ bảo đảm cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin về nguồn cung ODA, chính sách ưu tiên ODA của Chính phủ và của từng nhà tài trợ cụ thể, phản hồi kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý và sử dụng nguồn ODA của các địa phương vùng Tây Bắc. Ngày 14/11/2013, tại Quyết định số 2214/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện Đề án, đối với các chương trình, dự án thuộc vùng đồng bào dân tộc kêu gọi nguồn vốn ODA và phi chính phủ nước ngoài, đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc để triển khai thực hiện. Chính phủ có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các tỉnh trong vùng Tây Bắc trong việc nâng cao năng lực quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA từ khâu xây dựng danh mục tài trợ đến khâu xây dựng văn kiện chương trình, dự án, tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình, dự án.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Chí Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN