Chưa nên trồng mắc ca trên diện rộng

Cây mắc ca được ca ngợi là cây tỉ đô bởi mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, Tây Nguyên chưa nên phát triển ồ ạt diện tích trồng mắc ca.

Tiềm năng lớn


Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện bắt đầu nghiên cứu trồng thử nghiệm cây mắc ca tại Buôn Mê Thuột với giống của Trung Quốc, sau đó là giống của Thái Lan, Ôxtrâylia. Hiện Viện đã thu thập được hơn 20 giống mắc ca, chủ yếu là các giống thương mại đang thịnh hành trên thế giới. Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, cây mắc ca trồng tại Buôn Ma Thuột sau 3 năm bắt đầu cho quả. Viện đã chọn được 3 giống (OC, H2, 508) có triển vọng phát triển tại địa bàn Tây Nguyên.

Trước khi trồng mắc ca trên diện rộng, các địa phương phải giải quyết thấu đáo bài toán đầu ra cho sản phẩm và kỹ thuật canh tác. Ảnh: Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp.


Năm 2004, Viện trồng khảo nghiệm tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Lâm Đồng trên diện tích 20 ha. Kết quả sau 9 năm trồng thử nghiệm cho thấy, năng suất trung bình của các giống đạt gần 8 kg hạt/cây/năm. Đặc biệt, năng suất hai giống H2 và OC đạt xấp xỉ 9 kg hạt/cây/năm, cao hơn năng suất tại Ôxtrâylia (8 kg) và Trung Quốc (6,58 kg). Trọng lượng hạt và tỷ lệ nhân được cho là khá tốt. Điều đó chứng tỏ cây mắc ca có tiềm năng phát triển ở một số vùng sinh thái của Tây Nguyên.

 “Cây mắc ca chỉ thích hợp với những địa hình có độ cao từ 700 - 800 m so với mực nước biển, như: Măng Đen (Kon Tum), một số vùng ở Đắk Nông, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Do đó, trước khi trồng phổ biến rộng rãi thì cần phải có bước đánh giá về mặt thổ nhưỡng, kỹ thuật, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng sao cho thích hợp” - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu cho biết.


Theo thống kê từ năm 2005 - 2011, giá bán một kg mắc ca dao động từ 1,5 - 3 USD, tương đương với 30.000 - 60.000 đồng/kg. Cây mắc ca ghép sau khi trồng 5 - 6 năm đã cho thu hoạch đáng kể. Một ha mắc ca vào thời điểm thu hoạch chính, tính từ năm thứ 10 trở đi có thể cho năng suất từ 3 - 5 tấn hạt/ha. Nếu chỉ tính năng suất 3 tấn/ha với giá bán 40.000 đồng/kg thì giá trị hạt thu được vào khoảng 120 triệu đồng/ha.


Vậy tại sao chưa nên trồng loại cây này trên diện rộng ở Tây Nguyên?

Cần giải bài toán đầu ra và kỹ thuật


Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lý do trước tiên là vấn đề đầu ra cho hạt mắc ca. Hiện sản lượng mắc ca toàn cầu mỗi năm đạt khoảng 100.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu về loại hạt này có thể lên tới 400.000 tấn/năm. Nhu cầu thị trường thế giới là có thật, tuy nhiên, cái khó ở đây là làm thế nào để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mắc ca của Việt Nam tiếp cận được những thị trường có nhu cầu.

Hàm lượng axit béo không no trong dầu mắc ca chiếm tới 84%. Đây là thứ chất béo mà thế giới hiện đại rất coi trọng vì ít dẫn tới nguy cơ tích tụ cholesteron và làm dung môi trong mỹ phẩm.


Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề đầu ra cho hạt mắc ca tưởng chừng như nằm trong lòng bàn tay nhưng thực tế rất khó khăn. Câu chuyện về hạt gạo của Việt Nam là tấm gương nhãn tiền cho hạt mắc ca. Mặc dù thị trường thế giới vẫn có nhu cầu về gạo nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tiếp cận được với những thị trường này. Hệ quả là trong những tháng đầu năm 2013, lượng gạo tồn kho đứng ở mức cao, giá xuất khẩu lại thấp, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, đời sống của người nông dân theo đó cũng khó khăn không kém. Do đó, trước khi mở rộng diện tích trồng mắc ca, các địa phương ở Tây Nguyên và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mắc ca cần phải giải quyết thấu đáo bài toán thị trường, đừng để hạt mắc ca đi vào vết xe đổ của hạt gạo.


Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những khó khăn khi phát triển ngành công nghiệp chế biến hạt mắc ca. Theo tính toán, số vốn đầu tư cho một xưởng chế biến mắc ca nhỏ đã lên tới hàng trăm triệu đồng - một số tiền không nhỏ đối với người nông dân. Còn để có một dây chuyền chế biến tinh dầu, hương liệu từ hạt mắc ca thì cần các doanh nghiệp cần đến một số vốn lớn hơn rất nhiều.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, cây mắc ca là loại cây trồng mới, người dân Tây Nguyên chưa có kinh nghiệm canh tác. Ngoài ra, cũng sẽ rất khó khăn cho người trồng trong việc xử lý dịch bệnh đối với loại cây trồng này.

Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN