Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,69% trong tháng 1

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,69% so với tháng 12/2013 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Khách chọn mua hàng tại siêu thị Hapro - Chi nhánh phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh:Quang Quyết - TTXVN


CPI tháng 1 tăng cả ở 11/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,17 - 1,22%; trong đó, mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm giao thông và tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.


Chỉ ra nguyên nhân khiến CPI tháng 1 tăng cao, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết, đây là tháng cận Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa tiêu dùng sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.


Theo đó, nhu cầu về thực phẩm tăng khiến chỉ số giá thực phẩm tăng khá cao (0,75%). Cụ thể: Giá thịt lợn tăng 2,31%; giá gia cầm tươi sống tăng 0,33%, chủ yếu do tăng giá ở mặt hàng gà ta; giá thủy hải sản tăng 0,94% do nhu cầu chế biến cuối năm tăng cùng với tăng chi phí vận chuyển.


Bên cạnh đó, việc thương lái thu gom hàng xuất sang Trung Quốc phục vụ Tết cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cho tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, giá các mặt hàng như: bánh kẹo, đường mật, bơ sữa tăng giá từ 0,5 đến 3%do chi phí đầu vào và nhu cầutiêu dùng trong dịp lễ tết tăng; giá đồ uống, thuốc hút các loại đều tăng (giá rượu bia tăng 0,93%; thuốc hút tăng 0,97%; đồ uống không cồn chỉ tăng nhẹ với mức tăng 0,04%).


Giao thông là nhóm có mức tăng cao nhất. Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở nhóm xăng dầu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 18/12/2013 với mức tăng 2,38% đóng góp vào mức tăng CPI chung cả nước tháng 1/2014 khoảng 0,86% so với tháng trước.


Chỉ số giá nhóm dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,4% do nhu cầu tăng; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,87%. Thực tế, nhu cầu đi lại vào tháng cận Tết tăng nên các doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu tăng giá vé xe từ ngày 10/1/2014.


Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu sửa chữa nhà cửa dịp cuối năm nên giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,63%; giá vật liệu xây dựng (sơn tường, cát, đá) tăng 0,19%; các mặt hàng xi măng, thép xây dựng giá ổn định do nguồn cung khá dồi dào.


Giá gas mặc dù giảm 40.000 đồng/bình 12 kg từ 1/1/2014 nhưng do tăng 80.000 đồng/bình 12 kg vào thời điểm 1/12/2013 nên chỉ số giá gas tháng 1/2014 vẫn tăng 4,1%. Nhóm may mặc và giầy dép cũng tăng 0,89%. Nguyên nhân là do tháng này các tỉnh miền Bắc thời tiết rét đậm, rét hại cùng với nhu cầu tiêu dùng trong mùa cưới và nhu cầu mua sắm dịp Tết nên giá các mặt hàng may mặc, giầy dép và dịch vụ may mặc tăng mạnh, nhất là đối với các loại quần áo may sẵn.


Tuy nhiên, theo đánh giá của TCTK, chỉ số giá tháng này có mức tăng khá thấp so với tháng 1 các năm trước nhờ nguồn cung được đảm bảo, một số thành phố lớn có các chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Hơn nữa, người dân cũng có tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn những năm trước và thực chi cho tiêu dùng lương thực, thực phẩm dịp Tết sẽ rơi vào tháng 2.


Minh Phương - Thúy Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN