Cần thực hiện tốt khẩu hiệu “ba sạch”

Ông Nguyễn Nhật Cảm (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các biện pháp phòng chống những bệnh thường gặp trong mùa tựu trường.

 


Thời gian gần đây, nhiều trẻ bị mắc bệnh cúm với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi sốt, ho... Liệu có phải là do dịch cúm A/H1N1 đang “tái xuất” không, thưa ông?


Tháng 9 - 10, cũng là thời điểm trẻ dễ mắc cúm mùa, trong đó có cúm A/H1N1. Do đó, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, băn khoăn về việc con mình mắc chính xác loại cúm nào (A/H1N1 hay cúm A/H3N2...).

Các nhà trường cần chú ý chủ động phòng, chống bệnh SXH cho trẻ: Cần diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường để loại bỏ ổ chứa nước đọng...

Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền cho các em học sinh (từ cấp 2 trở lên) hiểu về các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Rất có thể, để cho các em trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh SXH cho gia đình và cộng đồng.


Khi thấy trẻ có triệu chứng của cúm như hắt hơi, sổ mũi, sốt… cần cho trẻ nghỉ học. Cho trẻ ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.

 

Để phòng, chống bệnh cho con em mình, các bậc cha mẹ cần lưu ý điều gì, thưa ông?


Để chủ động phòng bệnh tay - chân - miệng, các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường khác. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly trẻ tại nhà khoảng 10 ngày. Để tránh những biến chứng đáng tiếc, cần đưa trẻ mắc bệnh TCM đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng: Sốt cao ≥ 390C, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh, co giật, hôn mê.


Đối với bệnh SXH cần ghi nhớ: “Không bọ gậy, không muỗi sẽ không có SXH”. Mỗi người dân cần có ý thức vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống, diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh bằng cách thau cọ kỹ các chum vại chứa nước, che đậy kín hoặc lật úp đồ phế thải... để không còn nơi cho bọ gậy sinh trưởng. Để tránh không bị muỗi truyền bệnh SXH, khi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài tay, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối... Cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có triệu chứng: Sốt cao từ 2 ngày trở lên, xuất huyết ngoài da (có các chấm xuất huyết, vết bầm tím, rõ nhất là xuất huyết ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân). Ngoài ra, có thể bị xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn kỳ hạn...


Xin cảm ơn ông!


Liên Phương - Đan Phương(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN