Cần những giải pháp đột phá

Nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 1951/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên” và Quyết định số 37/1013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020”; tại Hội nghị về “Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên” vừa diễn ra tại Đắk Lắk do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội tổ chức, đại diện các trường và lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cần có những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá và lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực bền vững cho vùng Tây Nguyên.


Bà H’Ngăm Niê Kdăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: “Cần rà soát, sắp xếp và thành lập các trường ĐH, CĐ phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ của vùng… Từng bước hiện đại hóa các trường ĐH, CĐ hiện có theo hướng ứng dụng nghề nghiệp”. Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường phải đảm bảo yêu cầu theo Quyết định cố 37/2013/QĐ-TTg “Đến năm 2020 ở cấp ĐH, số tiến sĩ trong tổng số giảng viên đạt khoảng 21%; cấp CĐ số tiến sĩ trong tổng số giảng viên đạt khoảng 4%”… “Ưu tiên đầu tư cho Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Đà Lạt theo hướng đa ngành, từng bước mở thêm ngành nghề đào tạo mới theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu mạnh của vùng.

 

Học sinh dân tộc thiểu số ở Đắk Mế xã Bờ Y huyện Ngọc Hồi hân hoan đến trường.Sỹ Thắng

Mở rộng quy mô đào tạo của Khoa dự bị Trường ĐH Tây Nguyên và Trường dự bị ĐH Nha Trang nhằm tạo nguồn đào tạo cán bộ có trình độ ĐH cho các dân tộc trong vùng; tập trung phát triển Khoa Y - Dược Trường ĐH Tây Nguyên làm cơ sở để thành lập Trường ĐH Y - Dược khi có đủ điều kiện. Nâng cao chất lượng đào tạo tại phân hiệu ĐH Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh tại Gia Lai và Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tại chỗ”.


Lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng cho rằng cần nghiên cứu các giải pháp về vấn đề tăng tỷ lệ thích đáng học sinh là người DTTS, học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vào các trung tâm, các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề ở Tây Nguyên. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đào tạo bình quân đạt 180 sinh viên/1 vạn dân, tăng tỷ lệ sinh viên người DTTS từ 18 - 20% trở lên trong tổng số sinh viên của các trường ĐH, CĐ trong vùng, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%... Xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề; về chế độ, chính sách đối với công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề; về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo, dạy nghề phù hợp với địa bàn Tây Nguyên, nhất là đối với vùng đồng bào các DTTS…


Về dạy nghề, lãnh đạo các trường trong vùng cần củng cố, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở dạy nghề đảm bảo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Ưu tiên đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề cho một số nghề ở Trường CĐ nghề Đà Lạt và Trường CĐ nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc tế; các trường CĐ nghề, trung cấp nghề còn lại được đầu tư đồng bộ từ 2 - 5 nghề để đạt chuẩn quốc gia. Phát triển và hỗ trợ đầu tư cho các trường dân tộc nội trú và khoa dân tộc nội trú trong các trường CĐ nghề. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện hiện có.


Thực tế cho thấy, ở Tây Nguyên còn một lượng sinh viên, học sinh được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đã tốt nghiệp, nhất là số học sinh DTTS đào tạo theo hình thức cử tuyển, nhưng chưa có việc làm. Cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp về khai thác, sử dụng nguồn nhân lực sẵn có đã được đào tạo trong thời gian qua và vấn đề tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp... Nghiên cứu và đề xuất các hình thức liên kết trong việc đào tạo; vấn đề mở rộng hình thức xét tuyển đào tạo theo địa chỉ… Nghiên cứu đề xuất các giải pháp mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình kinh tế - xã hội trong vùng nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng… Vấn đề đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn…


Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, liên kết chặt chẽ hơn với nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng thực hành nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đổi mới giáo trình… Có như vậy thì công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên mới mang lại hiệu quả, góp phần ổn định và phát triển Tây Nguyên bền vững.


V.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN