Bánh trôi ngô mốc gây ngộ độc chết người

Các bác sĩ thuộc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đang rất nỗ lực điều trị suy gan cấp cho bệnh nhi Cháng Mí Mù (13 tuổi, ở Hà Giang), là 1/7 người trong cùng một gia đình bị ngộ độc sau khi ăn bánh trôi ngô mốc vào ngày 29/4. Đến nay, 4/7 người thân của bệnh nhi này lần lượt bị tử vong; 2 người còn lại đang tiếp tục điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Hà Giang.

 

Thêm 1 bệnh nhân nguy kịch


Theo PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc: “Bệnh nhi Cháng Mí Mù (ở xã Cán Tỉ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Hà Giang tới Trung tâm Chống độc vào chiều 3/5.


 

Bệnh nhi Cháng Mí Mù được điều trị tích cực ở Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

 

Qua thăm khám lâm sàng ban đầu cho thấy sức khỏe của bệnh nhi tương đối bình thường, không có biểu hiện khó thở hay suy tim. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm vài giờ sau cho thấy, bệnh nhi bị hoại tử tế bào gan cấp tính dẫn đến suy gan cấp với các biểu hiện của tình trạng tiền hôn mê gan như mệt mỏi, lờ đờ, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 80%.


PGS.TS Phạm Duệ cho biết: Điểm giống nhau giữa những ca ngộ độc nặng sau khi ăn bánh trôi ngô bị mốc ở Hà Giang là tất cả đều có dấu hiệu bị hoại tử tế bào gan với tốc độ tăng men gan nhanh. Với bệnh nhi Cháng Mí Mù do ăn bánh trôi ngô ít hơn (4 chiếc) so với những người thân xấu số (từ 10 - 14 chiếc); như vậy, có thể lượng độc tố vi nấm trong cơ thể cháu bé sẽ ít hơn, khả năng cháu bé được cứu sống sẽ cao hơn.


“Dẫu diễn biến hoại tử gan ở bệnh nhi này chậm hơn những bệnh nhân đã tử vong nhưng với tốc độ tăng men gan rất cao chỉ trong vòng vài tiếng thì không ai dám chắc tình trạng bệnh sẽ không xấu hơn. Kết quả xét nghiệm vào buổi sáng 3/5 tại Hà Giang cho thấy thông số men gan của bệnh nhân là 1.000 đơn vị/lít nhưng ngay khi tới Trung tâm Chống độc vào chiều tối đã lên tới hơn 8.000 vị/lít (ở người bình thường, các thông số về men gan có giá trị nhỏ hơn 40 đơn vị/lít). Đây là điều rất đáng lo ngại vì tốc độ tăng men gan nhanh phản ánh tốc độ gan đang bị phá hủy trầm trọng…”, PGS.TS Duệ giải thích.


Trong các cuộc hội chẩn (ngày 4/5 có tới 4 cuộc hội chẩn liên khoa và 1 cuộc hội chẩn toàn viện do PGS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp chủ trì), các chuyên gia y tế đều nhận định rằng tính mạng của cháu bé đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong những ngày tới, bệnh nhi sẽ tiếp tục trải qua nhiều lần thay thế huyết tương, tần suất là 8 giờ/lần. Việc cháu bé “có qua” được hay không thì cần khoảng 7 - 10 ngày nữa mới có thể khẳng định chính xác.

 

Không sử dụng thực phẩm để lâu ngày


PGS.TS Hoàng Công Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng, chống nhiễm độc, Học viện Quân y cảnh báo: “Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh trôi ngô mốc làm 4 người tử vong và một cháu bé bị nguy kịch như nêu trên không phải là lần đầu tiên xảy ra tại Hà Giang. Trước đó, (tháng 5/2012), có tới 3 mẹ con trong một gia đình bị tử vong sau khi ăn bánh trôi ngô mốc. Đến tháng 6/2012, lại có thêm 2 trong số 5 người khác bị tử vong trong hoàn cảnh tương tự. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong mẫu bánh trôi ngô thu thập từ năm 2012 chứa một loại độc tố vi nấm rất độc, chỉ sau 2,5 giờ thí nghiệm là có thể gây chết thỏ”.


PGS.TS Minh rất tiếc vì cơ quan chức năng không thể thu thập được mẫu bánh trôi ngô mốc trong vụ ngộ độc xảy ra với gia đình bệnh nhi Cháng Mí Mù. Tuy nhiên, vì tất cả các trường hợp đều ngộ độc này đều xảy ra sau khi ăn bánh trôi ngô bị mốc nên các chuyên gia đều hướng tới nguyên nhân ngộ độc do nhiễm độc tố vi nấm. Nhưng đó là độc tố nào hoặc trong quá trình chế biến có tạo ra độc tố hay không thì cần thêm rất nhiều nghiên cứu mới có thể khẳng định được.


Trước mắt, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là hạn chế những tử vong đáng tiếc như vừa xảy ra tại Hà Giang, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng bột ngô ướt và bánh trôi ngô được chế biến trong ngày, tuyệt đối không sử dụng bánh bột ngô để lâu vì dễ bị nhiễm nấm mốc độc. Trong quá trình chế biến thực phẩm cũng cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc nhiễm độc tố từ bên ngoài xâm nhập. Ngành y tế địa phương, nhất là nơi có đồng bào dân tộc sinh sống cần tăng cường tuyên truyền để bà thay đổi thói quen lưu giữ gạo, ngô nói riêng và thực phẩm nói chung tránh để tình trạng ẩm, mốc, dễ có độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người dân.


Bài và ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN