Ấm lòng trong lễ viếng Đại tướng

Trong ngày cuối cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa đón đồng bào (10/10), hàng vạn người dân từ mọi miền Tổ quốc vẫn đổ dồn về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Có lẽ, sau đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là đám tang mà nhân dân đến viếng đông nhất. Mọi người chia nhau từng chai nước, cái bánh và cùng kiên nhẫn chờ đợi 8-9 giờ đồng hồ để được vào viếng vị Đại tướng mà họ vô cùng kính trọng.


Đồng đội tiếc thương “anh Văn”


Trời thu Hà Nội nắng vàng, dòng người nối nhau chạy dài qua các tuyến phố về viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số những đồng bào đến viếng Đại tướng ngày 10/10, nhiều người mang theo di ảnh của ông, những bài thơ hay những câu đối sáng tác vội để dành tặng Người. Từng là người lính liên lạc và nhiều lần được gặp Đại tướng trong trận Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Như Vạn, phố Trương Định (Hà Nội) đến viếng Đại tướng với lá cờ Tổ quốc có ghi câu đối do ông sáng tác: “Đảng dân nhớ công người tận tụy/Trọn đời vì nước giữ non sông”.

 

Đại úy Hoàng Tuấn Việt rất xúc động khi nhớ lại kỉ niệm với Đại tướng.


Trong dòng người tới viếng Đại tướng hôm nay, chúng tôi gặp Đại úy Hoàng Tuấn Việt, ông từng là chiến sỹ thông tin Trung đoàn 66-105 (đơn vị pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954). Ông Việt kể, trong trận chiến Điện Biên Phủ, khi Đại tướng hỏi các đồng chí trong Trung đoàn: “Đã vào thời điểm quyết liệt của trận chiến, các anh có khó khăn gì?”. Đồng chí Trung đoàn trưởng báo cáo: “Thưa Đại tướng, mọi việc đã chuẩn bị xong nhưng còn khó khăn là đường dây điện thoại nối liền giữa Bộ chỉ huy và Sở chỉ huy, các tiểu đoàn, đại đội, đang bị thiếu”. Ngay sau đó, Đại tướng đã chỉ thị cho đồng chí Hoàng Văn Thái, chuyển tất cả đường dây điện thoại, máy móc của Đại tướng để phục vụ cho pháo binh. Sự quan tâm của Đại tướng khiến ai cũng thấy xúc động.

Tối 9/10, nhiều người dân ở các tỉnh xa đã về Hà Nội viếng Đại tướng. Do không kịp thời gian vào viếng Đại tướng, họ quyết định ngủ lại trên vỉa hè các tuyến phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ để sáng sớm hôm sau xếp hàng vào viếng.


Trong trận chiến ở giai đoạn thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, người chiến sỹ thông tin Hoàng Tuấn Việt tiếp tục được đi theo Trung đoàn bộ binh. “Quân ta tràn lên đồn chiếm được một số hầm hào của địch. Nhưng địch tổ chức phản kích bằng pháo nên đường dây liên lạc bị đứt. Nhanh chóng tôi đã tìm được hai đầu dây, không còn thời gian để gắn hai đầu dây nữa nên tôi ngậm hai đầu dây vào miệng để nối thông đường dây chỉ huy giữa pháo binh và bộ binh. Ngay lúc đó pháo binh đã chi viện kịp thời cho bộ binh”, ông Việt xúc động kể lại.


Hòa trong dòng người vào viếng thăm Đại tướng, ông Việt đã bật khóc khi nhìn lên di ảnh của Đại tướng mà chỉ nói được một câu: “Thế là anh đã đi rồi, vĩnh biệt anh!”.


Cảm động vì tình đồng bào


Để hàng vạn lượt đồng bào đến viếng Đại tướng được thuận lợi, các thanh niên tình nguyện của Thành đoàn Hà Nội đã hoạt động hết mình để hướng dẫn cho đồng bào. Bà Nguyễn Thị Thu, chủ quán Danh trà ở số nhà 32B đường Điện Biên Phủ đã chuẩn bị 5.000 chiếc bánh mì để phát cho bà con ăn sáng khi đến viếng Đại tướng. Những hình ảnh đẹp ấy đã khiến nhiều người cảm động và ấm lòng. Có người đến đây từ 2 giờ sáng mà vẫn nghiêm túc xếp hàng chờ đến gần 9 giờ mới được vào chia buồn cùng gia đình Đại tướng. Cả dòng người xếp dài qua mấy dãy phố, người mang theo bó hoa, thẻ hương, người thì mang theo bức trướng theo dòng chữ ca ngợi công lao của Đại tướng, người thì mang theo tập thơ kể về những chiến công lẫy lừng của Đại tướng... Dòng người ấy đến từ khắp mọi miền đất nước, già có, trẻ có, trí thức có, nông dân có… đủ các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

 

Rất nhiều người dân mang theo di ảnh Đại tướng khi đến viếng sáng 10/10.


Bà Nguyễn Thị Thu cho biết, trong những ngày đầu tiên, thấy nhân dân xếp hàng vào viếng Đại tướng dưới trời nắng nóng, tôi không đành lòng nên đã nảy ra ý định chia sẻ khó khăn với đồng bào. Từ hôm 6/10 đến nay, tôi đã phát khoảng 20.000 chiếc bánh mì để nhân dân chờ thời gian vào viếng Đại tướng. “Tuy chưa được tiếp xúc với Đại tướng nhưng trong suy nghĩ của tôi, Đại tướng là người có công với đất nước, là người vĩ đại sau Bác Hồ. Đại tướng ra đi là một mất mát lớn của toàn dân tộc ta”, bà Thu xúc động lau nước mắt cho hay. Cùng chung tay với bà Thu còn có Câu lạc bộ Hướng dẫn viên tiếng Nhật Hà Nội. Mặc dù có những công việc khác nhau nhưng các thành viên đã quyết định xin nghỉ làm trong ngày 10/10 để đến giúp nhân dân xếp hàng vào viếng Đại tướng. “Chúng tôi sẽ phát nước và bánh mì cho đến khi không còn người dân nào đến viếng nữa”, anh Hoàng Thế Huynh, thành viên câu lạc bộ cho biết.


Bà Trần Thị Thơm (72 tuổi), Thượng Lý, Hải Phòng xúc động trước tấm lòng của những người hảo tâm, những bạn trẻ tình nguyện: “Tất cả chúng ta là người một nhà. Trong đám tang này, mọi người mới biết đến nhau, sát lại gần nhau và thể hiện được tình cảm con người với nhau, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.


Do dòng người xếp hàng ngày càng đông, để đáp ứng nguyện vọng của mọi người, Ban tổ chức đã quyết định mở cửa thông tầm, không nghỉ trưa để tất cả mọi người dân đều có thể được vào bày tỏ lòng tưởng nhớ với Đại tướng, không để ai phải quay về nhà vì hết giờ.


Bài và ảnh: Hoàng Dương - Lê Xuân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN