Ai Cập có thể “tê liệt” vì bất đồng chính trị

Tình hình chính trị tại Ai Cập đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở lại khủng hoảng sau khi phe đối lập chuẩn bị sẵn lộ trình “giai đoạn chuyển tiếp” mới trước thềm cuộc biểu tình rầm rộ ngày 30/6 trong bối cảnh Tổng thống Mohamed Morsi cảnh báo bất đồng chính trị có thể làm tê liệt quốc gia này.

 

Phe đối lập tập trung đông đảo phản đối bài phát biểu của ông Morsi đêm 26/6. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phóng viên TTXVN tại Cairô cho biết phe đối lập chính trị và các lực lượng cách mạng Ai Cập ngày 27/6 đã quyết định thành lập "Mặt trận 30/6" và công bố lộ trình "giai đoạn chuyển tiếp", dấu hiệu cho thấy phe đối lập quyết đòi Tổng thống Mohamed Morsi từ chức.


“Mặt trận 30/6” có nhiệm vụ điều phối và tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có chống chính phủ diễn ra vào ngày 30/6 tới đây, một phần trong “Chiến dịch Tamarod” (Nổi dậy) đòi ông Morsi từ chức và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn. “Chiến dịch Tamarod” tới nay đã thu hút hàng chục đảng phái và phong trào đối lập. "Mặt trận 30/6" được cho là đại diện tất cả những người dân Ai Cập phản đối sự thống trị của tổ chức Anh em Hồi giáo.


Lộ trình "giai đoạn chuyển tiếp" được đề ra bao gồm việc giải thể Thượng viện Ai Cập - cơ quan do phe Hồi giáo kiểm soát và nắm quyền lập pháp kể từ khi quốc hội bị giải tán tháng 6/2012, đình chỉ hiến pháp hiện hành và tiến hành soạn thảo hiến pháp mới, bầu chọn Thủ tướng trong số các chính khách nổi bật để lãnh đạo chính phủ kỹ trị, chỉ định người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao giữ chức Tổng thống tạm quyền. Sau 6 tháng sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và tiếp đó là bầu cử quốc hội.


Tổng thống Morsi thừa nhận sai lầm


Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu kỷ niệm một năm cầm quyền được phát trực tiếp trên truyền hình vào rạng sáng 27/6 (giờ VN), Tổng thống Morsi thừa nhận đã phạm sai lầm đồng thời kêu gọi thực hiện cải cách và đối thoại dân tộc.


Ông Morsi nói: "Tôi đã mắc rất nhiều sai lầm, không có nghi ngờ nào hết. Sai lầm có thể xảy ra, nhưng chúng cần được sửa chữa". Ông Morsi cũng nhấn mạnh rằng để cuộc cách mạng có thể hoàn thành thì phải tiến hành cải cách tận gốc và nhắc lại lời kêu gọi đối thoại với phe đối lập.


"Người dân Ai Cập có thể vượt qua được giai đoạn này và vượt qua được thách thức... Tất cả những gì tôi yêu cầu hiện nay là chúng ta phải ngồi lại và thảo luận”, ông Morsi khẳng định.


Tổng thống Morsi cũng cảnh báo rằng Ai Cập hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức, tình trạng phân cực đã đạt đến giai đoạn đỉnh điểm có thể đe dọa nền dân chủ, làm tê liệt đất nước và gây ra tình trạng hỗn loạn.


Chỉ vài giờ trước bài phát biểu, phe Hồi giáo đã tổ chức một cuộc tập hợp lực lượng để ủng hộ Tổng thống Morsi, trong khi đó những người phản đối cũng tập trung đông đảo và bắt đầu ném rác vào nghững người ủng hộ. Xung đột đã xảy ra khiến ít nhất một người bị chết và 237 người bị thương.
Phe đối lập chỉ trích ông Morsi đã không đưa ra được lộ trình chi tiết cho “hòa hợp dân tộc” và đề xuất đối thoại chỉ là sự lặp lại những gì ông đã từng nói nhưng chưa bao giờ thực hiện. Cựu Ngoại trưởng Amr Moussa ngày 27/6 cho rằng ông Morsi đã không đưa ra một kế hoạch phục hồi kinh tế “rõ ràng” mà chỉ đổ lỗi cho các cuộc biểu tình và đình công.

 

Đức Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN