Ai Cập - Chông gai vẫn ở phía trước

Hiến pháp mới của Ai Cập đã chính thức được thông qua với tuyệt đại đa số trong cuộc trưng cầu ý dân tổ chức trong hai ngày 14-15/1, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi.

Người dân Ai Cập vui mừng sau khi bản hiến pháp mới được thông qua.

Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Ai Cập thời hậu Morsi. Dù diễn ra khá muộn so với lịch trình kéo dài 6 tháng do Tổng thống lâm thời Adly Mansour vạch ra hôm 8/7/2013, cuộc bỏ phiếu này cho thấy lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập đang đi đúng hướng, bất chấp làn sóng bạo lực đang leo thang.


Việc hiến pháp mới được thông qua thể hiện sự tin tưởng của người dân Ai Cập vào lộ trình chuyển tiếp chính trị được quân đội hậu thuẫn, đồng thời mở đường cho các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội trước giữa năm nay. Kết quả này cũng giúp củng cố tính hợp pháp của cuộc "cách mạng" ngày 30/6 vừa qua, đồng thời tuyệt đối hóa cơ hội giành chiến thắng của Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi, đặc biệt là trong bối cảnh người dân Ai Cập đang muốn có một nhân vật cứng rắn để ổn định đất nước sau gần 3 năm triền miên bất ổn và bạo lực.


Tuy nhiên, giới quan sát khu vực cho rằng việc Hiến pháp mới được thông qua chỉ là bước đi đầu tiên, tạo điều kiện tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Hàng loạt thách thức vẫn đang chờ đợi ở phía trước trên chặng đường dài nhằm khôi phục dân chủ và phát triển đất nước. Nếu không giải quyết tốt và có những động thái cụ thể để làm yên lòng dân, Chính phủ dân bầu sắp tới của Ai Cập sẽ phải đương đầu với những vấn đề cũ của chính quyền tiền nhiệm trong bối cảnh bất ổn đang lan tràn khắp khu vực.


Việc ông El-Sisi ra tranh cử tổng thống và có khả năng giành chiến thắng sẽ đào sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa phe Hồi giáo và phe thế tục, đồng thời làm gia tăng làn sóng biểu tình của phe Hồi giáo - những người đang cáo buộc vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang này cầm đầu cuộc chính biến hồi đầu tháng 7 năm ngoái cũng như chiến dịch trấn áp đẫm máu nhằm vào những người ủng hộ MB.


Sau khi bị coi là tổ chức khủng bố, MB một lần nữa bị gạt ngoài lề xã hội dù đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử được tổ chức trong 3 năm qua. Tình cảnh mới sẽ buộc MB phải lui vào hoạt động bí mật như trong suốt hơn 8 thập kỷ qua và quyết tâm dốc toàn lực cho cuộc chiến "một mất một còn" chống lại chính quyền "đảo chính". Trên thực tế, với một bộ máy được tổ chức tốt và một lực lượng ủng hộ đông đảo và hết sức trung thành, MB vẫn là một thế lực mạnh và là thách thức lớn nhất của chính quyền trong thời gian tới.


Một điều cũng khiến dư luận lo ngại đó là sau khi giành hoàn toàn kiểm soát các nhánh quyền lực, chính quyền mới, trong đó có nhiều người từng là thành viên của chính quyền Hosni Mubarak, có thể sẽ quá tự tin, dẫn tới việc phớt lờ và gia tăng đàn áp phe đối lập, đồng thời tìm cách trả thù các lực lượng cách mạng trước đây. Đây chính là sai lầm mà MB từng phạm phải sau khi lên nắm quyền. Điều đáng nói là chính quyền mới của Ai Cập đang có dấu hiệu đi vào vết xe đổ đó với việc áp đặt Luật Biểu tình gây tranh cãi và đưa ra xét xử các nhà hoạt động từng là biểu tượng của làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak 3 năm trước.


Theo các nhà phân tích, chính quyền mới ở Ai Cập chỉ có thể đứng vững nếu duy trì được sự ủng hộ của đại bộ phận người dân để tiến hành các cuộc cải cách sâu rộng và giải quyết các thách thức hết sức cấp bách hiện nay. Chính sách hòa giải dân tộc là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn sắp tới và là tiền đề cho sự phát triển ổn định của Ai Cập.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Cairo)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN