11:11 11/11/2013

Báo Đức tố tình báo Mỹ và Anh do thám cả OPEC

Tờ "Tấm gương" của Đức ngày 11/11 đăng thông tin cho biết cả Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ và Cơ quan Tình báo chính phủ Anh đều do thám Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bởi an ninh năng lượng là một trong những vấn đề quan trọng mà hai cơ quan tình báo này quan tâm.

Tờ "Tấm gương" của Đức ngày 11/11 đăng thông tin cho biết cả Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Tình báo chính phủ Anh (GCHQ) đều do thám Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bởi an ninh năng lượng là một trong những vấn đề quan trọng mà hai cơ quan tình báo này quan tâm.

Trụ sở OPEC tại Vienna. Ảnh: Reuters


Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo trên dẫn các thông tin từ cựu nhân viên NSA Edward Snowden, cho biết NSA và GCHQ đã xâm nhập vào mạng máy tính của OPEC.

Từ tháng 1/2008, bộ phận phụ trách vấn đề năng lượng của NSA thông báo đã "hoàn thành sứ mệnh" của mình. Trước thời điểm này, thông tin tình báo về từng nước thành viên OPEC đã được thu thập, song từ tháng 1/2008, NSA lần đầu tiên đã xâm nhập được vào toàn bộ mạng máy tính của OPEC.

Khi thâm nhập được mạng máy tính của OPEC, các nhà phân tích NSA đã phát hiện bộ phận pháp lý của OPEC đang chuẩn bị một vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ hay việc Arập Xêút tìm cách duy trì tăng sản lượng dầu.

Chủ tịch OPEC cũng nằm trong danh sách cá nhân bị theo dõi. Theo một tài liệu năm 2010, các nhà phân tích NSA kết luận rằng Arập Xêút đã công bố số liệu không chính xác về sản lượng dầu. Trong khi đó, một tài liệu mật của GCHQ từ năm 2010 cho biết cơ quan này đã tìm cách xâm nhập được vào máy tính của 9 nhân viên OPEC nhờ sử dụng phương thức "chèn định mức" (Quantum Insert), công nghệ giúp tạo một cổng nối để có thể truy cập vào hệ thống máy tính của OPEC.

Các nhà phân tích GCHQ có thể chiếm quyền ưu tiên quản trị trong mạng lưới OPEC và truy cập được vào hai máy chủ mật vốn lưu trữ nhiều tài liệu có giá trị.

OPEC là tổ chức được thành lập từ năm 1960, có trụ sở chính tại thủ đô Vienna (Áo). OPEC có thể điều chỉnh hạn ngạch khai thác dầu của các nước thành viên, qua đó có thể khống chế giá dầu trên thế giới.


TTXVN/Tin tức