11:08 25/11/2014

Báo Đức, Italy đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam

Truyền thông Đức và Italy đã có đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, trước hết là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như lực lượng lao động được đào tạo tốt.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo "Làn sóng Đức" (DW) vừa có bài viết đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, trước hết là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như lực lượng lao động được đào tạo tốt.

Bài viết dẫn nguồn tin từ Phòng thương mại nước ngoài Đức (AHK) cho biết với trên 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, Đức hiện xếp thứ 22 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp Đức đang ngày càng coi Việt Nam là một điểm đến quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Bài báo cũng cho biết Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APK 14) vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham dự của khoảng 750 đại diện các doanh nghiệp Đức, con số lớn nhất từ trước đến nay của một sự kiện quảng bá thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Bài báo lấy ví dụ về thành công của tập đoàn sản xuất đồ thể thao Adidas tại Việt Nam. Từ nhiều năm qua, các sản phẩm của hãng đã được gia công tại Việt Nam và Việt Nam trở thành điểm cung ứng sản phẩm quan trọng thứ ba của Adidas trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Indonesia.

Bài viết trích dẫn lời của ông Simone Lendzian, đại diện Adidas tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam là thị trường tiêu thụ ngày càng quan trọng của Adidas, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam rất quan tâm tới với các thương hiệu quốc tế, trong đó có Adidas. Bài viết cho rằng không chỉ Adidas mà các thương hiệu của Đức nói chung đều có được sự tín nhiệm cao của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là lĩnh vực ô tô với các thương hiệu như Mercedes, BMW hay Audi.

Về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bài viết đánh giá đây là một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam khi đóng góp khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2013, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng GDP 5,4% của Việt Nam trong năm qua.

Tác giả bài báo dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá rất tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, trước hết là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như lực lượng lao động được đào tạo tốt, và nhận định đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước xung quanh, nhất là từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo tác giả, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn nữa, Việt Nam cần cải thiện về thủ tục hành chính, nhanh chóng xây dựng một lực lượng lao động lành nghề chất lượng cao và tăng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, bài báo cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư nếu muốn thu hút được những nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Theo tác giả, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được nhận được ưu đãi về vốn và trợ cấp chính phủ và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính cạnh tranh giữa các khu vực doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn được xem là hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bài viết nhận định cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước cũng cần được Chính phủ Việt Nam coi là một ưu tiên quan trọng trong thời gian tới.

Bài viết kết luận, với dân số 90 triệu người và mức thu nhập bình quân đầu người gia tăng ổn định, Việt Nam đã trở thành một thị trường tiêu dùng nội địa hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Đức.

Bên cạnh đó, với triển vọng tăng trưởng năm 2015 theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khoảng 5,7%, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và trên thế giới, hứa hẹn là thị trường nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

* Báo Italy: "Việt Nam, cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Italy"

Đó là bình luận của nhật báo bán chạy nhất Italy "Corriere della Sera" trong số ra ngày 24/11, nhân sự kiện Thứ trưởng ngoại giao Italy Benedetto della Vedova thăm Việt Nam và chủ trì cuộc họp thứ nhất của Ủy ban hỗn hợp Italy-Việt Nam về kinh tế diễn ra từ 24-27/11).

Cùng đi với ông có 130 doanh nghiệp Italy tham gia các hoạt động Diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội (24/11) và Thành phố Hồ Chí Minh (26/11).

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Dành hẳn một trang cho chuyên đề kinh tế hàng tuần, "Corriere della Sera" đánh giá Việt Nam là một thị trường 93,4 triệu dân, với "lực lượng lao động dồi dào và trẻ", có thể trở thành một "cơ hội vàng" cho các doanh nghiệp Italy, nhất là trong các lĩnh vực mà Italy có thế mạnh truyền thống, như thời trang (dệt, may mặc, da giày và thuộc da) và cơ khí chính xác.

Theo nhật báo này, năm 2008, Việt Nam đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề, nhưng "nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô", nước này đã phục hồi và đang tạo cơ hội làm ăn cho các đối tác Italy.

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo "Corriere della Sera" cho rằng mặc dù đầu tư vào Việt Nam vẫn còn ẩn chứa rủi ro, như hệ thống ngân hàng còn "mong manh" về cấu trúc, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều vấn đề, nhưng điểm mạnh của Việt Nam là lực lượng lao động dồi dào và chi phí cho lực lượng này có sức cạnh tranh lớn.

 Ông Alessandro Terzulli, nhà phân tích kinh tế hàng đầu của tập đoàn tín dụng xuất khẩu lớn của Italy SACE, cho rằng "khu vực sản xuất của Việt Nam đang phát triển mạnh. Điều đó đã từng diễn ra ở Trung Quốc nhiều năm trước, khi người ta nói nước này là "công xưởng của thế giới". Nay, Việt Nam đang đi theo hướng này, nhờ chi phí sản xuất thấp".

Tuy nhiên, theo "Corrierre della Sera", trong số 230 tỉ USD vốn đầu tư mà Việt Nam thu hút được từ năm 2000 đến nay, chỉ có 294,2 triệu USD là từ các doanh nghiệp Italy, cho thấy, mức đầu tư này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường đối với các nhà đầu tư đến từ đất nước hình chiếc ủng.

Mặc dù vậy, ông Terzulli khẳng định, các doanh nghiệp Italy đang gia tăng mức quan tâm đến Việt Nam. Bằng chứng là Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ 5 với Italy ở khu vực Đông Nam Á, thứ 8 ở châu Á và chỉ riêng năm 2013, giá trị xuất khẩu của Italy vào thị trường Việt Nam đạt 674 triệu USD, tăng 34,6% so với năm trước đó.

Ông Terzulli đánh giá rằng "cơ hội để các doanh nghiệp Italy đến Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam và buôn bán trực tiếp tại Việt Nam là rất lớn, khi Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của một trong những khu vực năng động và phát triển mạnh mẽ bậc nhất thế giới".


TTXVN/Tin tức