04:09 08/04/2011

Báo động về tình trạng lãng phí điện

Tại buổi họp giao ban trực tuyến về tình hình sản xuất kinh doanh quí I tổ chức tuần này tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn về tiết kiệm điện là 10% nhưng không dễ đạt được mục tiêu này.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến về tình hình sản xuất kinh doanh quí I tổ chức tuần này tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn về tiết kiệm điện là 10% nhưng không dễ đạt được mục tiêu này.


Nhiều thống kê còn cho thấy, việc tiêu thụ điện cho sản xuất của Việt Nam còn lãng phí, cao nhất trong khu vực.

Lãng phí điện lớn nhất khu vực

Điện chiếu sáng, quảng cáo sáng rực tại trung tâm siêu thị TAX ở quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Thanh Phàn –TTXVN


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lấy ví dụ, ở Việt Nam để tăng trưởng kinh tế quý I, thì tăng trưởng điện phải tiêu tốn gần 2 - 2,5 lần, trong khi các nước lân cận chỉ từ 1 - 1,5 lần. Tính toán mới nhất của các chuyên gia thuộc Trung tâm năng lượng Nhật Bản cũng cho thấy, hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/GDP (ICOR) của Việt Nam hiện bằng 2, cao gấp 2 - 2,5 lần so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Điều này có nghĩa là việc sử dụng điện tại Việt Nam vẫn còn lãng phí 15 - 20%, tương đương 1.500 - 2.800 MW.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy, riêng quí I/2011, lượng điện thương phẩm đạt 21.100 triệu kWh, tăng 12,16%, trong đó điện tiêu dùng nội địa tăng 12,23%. So sánh với tốc độ tăng trưởng GDP của quí I thì tốc độ tăng trưởng điện đã tăng 2,25 lần. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm là 15,93%, gấp 2,91 lần tốc độ tăng trưởng GDP của ngành công nghiệp, điều đó thể hiện việc sử dụng điện rất kém hiệu quả.

Theo Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng theo từng ngành sản xuất hiện nay là rất cao. Nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp tiết kiệm điện sẽ góp phần giảm lượng điện tiêu thụ rất lớn. Chẳng hạn trong ngành sản xuất xi măng vẫn còn khả năng tiết kiệm đến 50%, sản xuất gốm 35%, dệt may 30%, các tòa nhà thương mại 25%, sản xuất thép 20%...

Đổi mới công nghệ, nâng cao ý thức sử dụng điện

Nhiều cửa hàng sử dụng điện lãng phí cho quảng cáo trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: Thanh Phàn-TTXVN


Một trong những lý do khiến tiêu hao điện năng ở Việt Nam lớn hơn ở các nước khác là do sử dụng công nghệ lạc hậu. Lượng điện tiêu thụ của các doanh nghiệp chiếm trên 60% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp, các ngành sản xuất nước ta vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Theo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, thách thức lớn của ngành xi măng trong nước là phải tìm ra bằng được giải pháp quản lý cũng như áp dụng công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất clinker - xi măng. Tổng công ty đã áp dụng giải pháp sử dụng nguồn nhiệt thừa của các nhà máy xi măng để phát điện.


Theo tính toán, nếu tất cả các dây chuyền xi măng lò quay công nghệ khô trong sản xuất xi măng của Việt Nam được trang bị hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải thì công suất tổng các trạm phát điện khoảng 200 MW, phát ra một lượng điện chiếm tới khoảng gần 20% lượng điện tiêu thụ từ lưới điện. Đây là một con số khá lớn đối với ngành công nghiệp có hiệu suất tiêu hao năng lượng lớn như ngành xi măng.

Tại Tổng công ty Thép Việt Nam, công nghệ luyện phôi thép hiện nay chủ yếu là lò điện. Do đa số các lò có công suất thấp, lạc hậu nên suất tiêu hao điện năng cho 1 tấn phôi cao, khoảng 600 kWh, trong khi trên thế giới chỉ là 350 - 400 kWh/tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009, ngành thép tiêu thụ 4,683 tỷ kWh cho sản xuất, chiếm 5,8% tổng sản lượng điện toàn quốc.

Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) đưa ra con số đáng báo động, qua kiểm toán 600 doanh nghiệp cho thấy chỉ có 3 doanh nghiệp có hệ thống sử dụng năng lượng tiên tiến, còn lại đều sử dụng điện lãng phí.


Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ECC, cho rằng: Các doanh nghiệp sản xuất hiện đang tiêu thụ khoảng 5,2 tỷ kWh điện/năm, nếu doanh nghiệp giảm 5% điện tiêu thụ và các hộ dân giảm 10% lượng điện tiêu thụ, kết hợp cùng với các hình thức khác thì tình trạng thiếu 2 triệu kWh điện mỗi ngày của TP.HCM trong năm 2011 sẽ được giải quyết.

Thu Hường