06:22 27/06/2012

Báo động về hiện tượng mực nước biển dâng cao ở Mỹ

Báo cáo của một nhóm chuyên gia, do Giáo sư Robert Dalrymple thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) làm chủ biên, công bố ngày 26/6 cho biết, mực nước đại dương dọc hai bờ biển của Mỹ có chiều hướng dâng cao hơn nhiều nơi khác trên thế giới.

Báo cáo của một nhóm chuyên gia, do Giáo sư Robert Dalrymple thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) làm chủ biên, công bố ngày 26/6 cho biết, mực nước đại dương dọc hai bờ biển của Mỹ có chiều hướng dâng cao hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Cụ thể, đến năm 2100, mực nước dọc bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Mỹ có thể dâng cao khoảng 1 mét, cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đây của nhóm liên bộ ngành của chính phủ về thay đổi khí hậu.

Bờ biển Bắc Carolina thuộc “vùng đất nóng” đang đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao. Ảnh: Internet


Dọc bờ biển phía tây, California được xác định là bang có thể bị ảnh hưởng nặng nhất do mực nước biển dâng cao. California cùng hai bang khác cũng nằm bên bờ Thái Bình Dương là Oregan và Oasinhtơn đã chính thức đề nghị Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ (NRC) có những đánh giá cụ thể về những tác động có thể có của mực nước biển dâng cao đối với các bang này.


Tại bờ biển phía Đông, báo cáo công bố cùng ngày của Cơ quan điều tra địa chất Mỹ (USGS) cho biết, cái mà các nhà khoa học gọi là “vùng đất nóng” (hotspot) trải dài 1.000 km dọc bờ biển Đại Tây Dương, từ bang Massachusetts ở phía bắc tới bang Bắc Carolina ở phía nam, cũng đang trong tình trạng báo động về mực nước biển dâng cao. Nhà đại dương học và là tác giả chính của bản báo cáo, ông Asbury Sallenger cho biết, trong vòng 60 năm qua, mực nước biển trong phạm vi “vùng đất nóng” mỗi năm đã tăng từ 2 - 3,7 milimét, gấp 3 - 4 lần dự báo trước đây.


Thái Hùng