11:21 10/11/2011

Báo động tình trạng mất trộm tại các khu xóm trọ sinh viên

Tại các khu xóm trọ sinh viên (sv) luôn cực kỳ phức tạp với sự hỗn độn của rất nhiều thành phần xã hội. Chính vì lẽ đó mà chuyện các phòng trọ của sv bị “đạo trích” viếng thăm thường xuyên xảy ra như cơm bữa.

Tại các khu xóm trọ sinh viên (sv) luôn cực kỳ phức tạp với sự hỗn độn của rất nhiều thành phần xã hội. Chính vì lẽ đó mà chuyện các phòng trọ của sv bị “đạo trích” viếng thăm thường xuyên xảy ra như cơm bữa. Là những người thuộc diện nghèo, vì chưa làm ra tiền và sống nhờ trợ cấp từ gia đình nên khi bị mất trộm tài sản, đồ đạc thì không chỉ sv “đau” mà cha mẹ các em cũng xót xa. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một sv năm thứ nhất, thuê nhà tại khu Trung Hòa - Nhân Chính bị mất trộm chiếc xe đạp duy nhất mà bố mẹ sắm cho làm phương tiện đi học. Nhà nghèo, chiếc xe là cả mấy tạ thóc mà bố mẹ nai lưng làm ra mới mua nổi nên cậu rất buồn. Phòng trọ của cậu sv này là khu nhà trọ với 20 phòng trọ nên việc quản lý tài sản để ở trong sân chung là khá phức tạp vì người ra, người vào liên tục. Cậu sv này kể, mặc dù đã rất cảnh giác vì từ đầu năm học đã xảy ra mất trộm 4 chiếc xe đạp của cả dãy nhà trọ, nhưng cũng không tránh khỏi. “Em để xe ở sân và chỉ có chừng 10 phút không để ý tới mà đã… bay!”- Cậu ta than thở!

Cần đề cao cảnh giác với nạn đạo trích nơi xóm trọ.


Tại các khu xóm trọ, chuyện sv mất trộm là rất nhiều. Các món đồ bị mất thường xuyên là xô, chậu, xoong nồi, quần áo… mà bọn trộm thường là mấy tay nghiện hút. Rồi nhiều nữa là mấy thứ tài sản có giá trị như xe đạp, xe máy, ti vi, máy tính…của sv cũng bị mất không phải là ít mà khoảng thời gian trộm viếng thăm chủ yếu là vào ban đêm, hoặc lúc sv đến giảng đường học tập. Em Lê Thị Hoa, sv Đại học Luật, thuê trọ tại khu Cầu Diễn, mới đây đã quá buồn chán vì tiếc của khi em bị trộm cạy cửa bê mất chiếc máy tính trị giá gần chục triệu đồng trong lúc đi học. Cùng chung cảnh ngộ, Nguyễn văn Tân, sv Đại học Giao thông, người thuê nhà tại khu Mai Dịch cũng kêu trời vì món tài sản có giá trị nhất là chiếc xe gắn máy dùng để đi học, đi làm thêm cũng bị “bốc hơi” trong một đêm tại phòng trọ, mặc dù em đã khóa xe cẩn thận. Tân kể: “Thường là bọn em thuê trọ không sống gần chủ nhà nên việc bảo quản đồ đạc là khá khó khăn. An ninh đã không đảm bảo, trong khi đó cửa ngõ, phòng ốc lại không được chắc chắn cho lắm vì thế việc bị mất cắp là khó tránh khỏi. Đợt tới em sẽ chuyển thuê sống cùng chủ nhà cho ổn hơn…”.

Theo như tôi được biết thì thường là sv mất trộm các thứ tài sản lặt vặt nên họ không trình báo với công an khu vực. Chỉ khi mất các món đồ thật sự có giá trị như xe máy. máy tính, ti vi… thì họ mới đến công an trình báo. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều sv vẫn không tin tưởng vào việc đồ đạc bị mất có thể tìm lại được. Hương, sv Đại học Thương mại bảo: “Ngay như bạn em đây, mất xe máy, báo công an mà cả năm trời có tìm ra đâu…”. Vâng, quả là chuyện mất đồ đạc mà chính quyền tìm được còn tùy thuộc vào nguyên nhân và thời gian điều tra, nhưng trước tiên để có được sự giúp đỡ từ công an thì chính các bạn sv hãy luôn nêu cao cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản của mình, của bạn bè cùng khu trọ. Hãy cân nhắc trong việc thuê phòng để sống tại những khu vực dân cư phức tạp, an ninh không đảm bảo. Tốt hơn hết là chọn sống gần chủ nhà, hoặc nếu không sống gần chủ thì nên yêu cầu chủ nhà phải trang bị cửa, khoá, cổng… thật chắc chắn để hạn chế phần nào nạn đạo trích.

Được biết, hàng tháng sv thuê trọ tại địa bàn nào thì họ vẫn thường xuyên phải đóng tiền an ninh thông qua chủ nhà, vì thế việc để xảy ra mất trộm liên tục tại địa bàn cũng là một phần trách nhiệm của công an khu vực đó.

Bài&ảnh:Gia Long