06:16 09/06/2012

Báo động tình trạng khoan giếng nước ngầm ở nông thôn.

Theo Trung tâm quản lý nước sạch nông thôn, hiện nay ở địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau ước tính có khoảng 25.000 giếng nước ngầm, trong số này phần đông là do các hộ dân khai thác tự phát, không được cấp phép của cơ quan chức năng.

Theo Trung tâm quản lý nước sạch nông thôn, hiện nay ở địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau ước tính có khoảng 25.000 giếng nước ngầm, trong số này phần đông là do các hộ dân khai thác tự phát, không được cấp phép của cơ quan chức năng.

Qua kết quả điều tra cho thấy, đối với vùng kinh tế phát triển, bình quân 20 hộ là có 1 hộ khoan giếng nước riêng. Đối với những hộ dân có thu nhập trung bình khá trở lên bà con thường bỏ tiền ra để khoan giếng nước.

Dùng công nghệ lọc nước CONTACT - hướng mở cho những vùng nước nhiễm phèn U Minh Hạ. Ảnh: baocamau.com.vn


Chi phí cho 1 giếng nước khoảng trên dưới 2 triệu đồng là đủ, tương đương với 10 kg tôm thẻ là có một giếng nước cho riêng mình. Vào mùa mưa thì giếng nước ngầm không có giá trị kinh tế, nhưng vào mùa khô hạn, giếng nước là phương tiện làm ra tiền.

Những hộ nghèo không khoan được giếng nước nên phải mua nước lại từ hộ có giếng nước để dùng. Bình quân 1 giếng nước có khả năng cung cấp cho 20- 30 hộ lân cận có đủ nước để sinh hoạt.

Thu nhập một mùa khô như vậy là trên 30 triệu đồng/giếng nước. Vì vậy, ngày càng nhiều người bỏ tiền khoan giếng nước không chỉ để sinh hoạt trong gia đình mà còn có mục đích kinh doanh.

Nguyên nhân ngày càng có nhiều người dân tự khoan giếng nước trước hết là do nhu cầu về nước sạch, đây cũng là nhu cầu chính đáng trong lúc ở nông thôn chưa có hệ thống cấp nước sạch đầy đủ.

Kế đến là do chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo nên mạnh ai nấy khoan mà không bị xử lý gì. Nếu có xử lý với mức phạt vài ba trăm ngàn cũng không có giá trị răn đe, vì vậy mà tình trạng khai thác nguồn nước ngầm diễn ra tràn lan ở nông thôn.

Trần Thành Nên