08:14 31/08/2014

Báo động nạn tảo hôn ở Thuận Châu - Sơn La

Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La; trong đó, huyện Thuận Châu được biết đến là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao.

Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La; trong đó, huyện Thuận Châu được biết đến là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao.

 

Việc tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số đã để lại những hậu quả đáng buồn. Ảnh: Internet

 

Mặc dù ngành dân số đã vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền về tác hại của tình trạng tảo hôn nhưng đây vẫn là vấn đề “nóng” ở Sơn La. Thực trạng tảo hôn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Thực trạng đáng báo động

 

Thuận Châu là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Toàn huyện có 29 xã, thị trấn với dân số hơn 33.000 hộ dân. Tuy địa bàn rộng, nhưng số biên chế cán bộ làm công tác dân số của huyện còn rất hạn chế, cùng với đó là trình độ dân trí, nhận thức của một bộ phận đồng bào các dân tộc còn thấp, do vậy Thuận Châu là một trong những địa phương có tình trạng tảo hôn ngày càng tăng.

 

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 255 đối tượng tảo hôn và 26 cặp kết hôn cận huyết thống; trong đó, riêng huyện Thuận Châu có hơn 190 trường hợp, chiếm gần 30% tổng số cặp vợ chồng đã kết hôn. Đặc biệt, có những xã tỉ lệ tảo hôn trong độ tuổi từ 12 đến 17 lên đến 50%.

 

Theo đánh giá của các cán bộ dân số, tình trạng tảo hôn ở Sơn La nói chung, huyện Thuận Châu nói riêng gia tăng là do trình độ nhận thức của bà con còn thấp, nhiều quan niệm lạc hậu, họ muốn con cái lập gia đình sớm để có người làm việc trong nhà. Ngoài ra, địa bàn các xã lại rộng, bà con sống không tập trung, khoảng cách giữa các nhà dân xa cũng khiến cho công tác tuyên truyền trở nên khó khăn hơn.

 

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, mà còn xuất hiện ngay ở những xã gần trung tâm huyện như xã Chiềng Ly hay Thôm Mòn (huyện Thuận Châu).

 

Theo chân cán bộ dân số xã, chúng tôi có mặt tại gia đình bà Lường Thị Rươi ở Bản Pán 1 (xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu). Chỉ nằm cách trung tâm huyện chưa đến 1km nhưng ở đây bà không hề nhận thức được những hệ quả do tình trạng tảo hôn gây ra. Chính vì thế, khi con gái mới 16 tuổi nhưng đã nghỉ học để đi lấy chồng thì gia đình bà không hề phản đối. Đến bây giờ, khi con gái lấy chồng sinh con thì bà mới biết được hậu quả của việc cho con lấy chồng sớm. Bà Rươi chia sẻ, ngày trước con gái và con rể yêu nhau rồi muốn lấy nhau nhưng gia đình cũng chẳng biết làm thế nào để can ngăn. Các bạn của cháu giờ được đi học đầy đủ, còn cháu thì ở nhà nuôi con nhỏ, công việc thì không có, vất vả lắm nhưng gia đình không giúp được gì.

 

Thực trạng tảo hôn thì đã rõ, tuy nhiên không phải ai cũng biết được những hệ lụy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Tảo hôn dẫn đến hệ quả mang thai ở tuổi vị thành niên và theo đó trước hết sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe của vợ - chồng, nhất là người vợ, trong khi cơ thể đang phát triển chưa hoàn thiện phải nuôi dưỡng bào thai dẫn đến cả mẹ và con đều bị ảnh hưởng. Trường hợp của em Quàng Thị Lan (bản Nà Hay, xã Thôm Mòn) là một minh chứng cho điều này. Lan cho biết, năm 16 tuổi khi đang học phổ thông em đã bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, đến nay khi con đã gần 1 năm tuổi nhưng vẫn gầy gò, đau ốm thường xuyên và chỉ nặng chưa đến 5kg. Khi đến bệnh viện khám, được các bác sỹ giải thích, Lan mới biết do mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ các điều kiện để nuôi dưỡng bào thai nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi và dẫn đến việc suy dưỡng dưỡng của con khi sinh ra.

 

Chưa có giải pháp triệt để

 

Trong những năm qua, huyện Thuận Châu đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, như thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại các xã Muổi Nọi, Phổng Lái, É Tòng và Mường Khiêng, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Huyện còn thường xuyên duy trì sinh hoạt, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các mô hình theo từng tháng, quý. Tuy nhiên, những hoạt động này không đạt hiệu quả như mong muốn.

 

Nguyên nhân chính gây nên thực trạng này chính là hiệu quả của công tác tuyên truyền trong trường học, gia đình các em học sinh, các em trong độ tuổi học sinh trung học cơ sở, phổ thông trung học còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, theo điều tra, khảo sát tại huyện Thuận Châu hiện nay tình trạng bố mẹ bắt con cái bỏ học lấy vợ, lấy chồng không còn nhiều mà chủ yếu do các em thanh, thiếu niên tự nguyện tìm hiểu, yêu và lấy nhau.

 

Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con cái học hành; việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ nên tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng; chưa có chế tài thích hợp để ngăn chặn tình trạng tảo hôn...

 

Ông Hà Văn Lai, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Thuận Châu cho biết, bên cạnh việc tuyên tuyền, truyền thông giáo dục, trong thời gian tới huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục củng cố và tạo điều kiện cho các điểm tư vấn, nhóm sinh hoạt nâng cao hoạt động để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia, nhân rộng các nhóm sinh hoạt câu lạc bộ dân số. Huyện tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp xã, cộng tác viên, phát huy vai trò của nhân viên y tế bản, cộng tác viên dân số, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia công tác này. Từ đó, giảm thiểu và khắc phục tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

 

Hữu Quyết